Khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam hiện có khoảng 70 doanh nghiệp và hơn 21.000 lao động.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã có văn bản triển khai đến các doanh nghiệp về nội dung phê duyệt Đề án chuyển đổi KCN Biên Hoà 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường của UBND tỉnh Đồng Nai. Thời gian di dời được chia thành 2 giai đoạn.
Theo đó, ở giai đoạn 1, có 14 công ty nằm trong phần diện tích khu 1 (khoảng 75,1ha), nằm về phía Nam KCN Biên Hòa 1 (tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội) phải di dời trước tháng 12/2024. Các doanh nghiệp còn lại thuộc giai đoạn 2 di dời trước tháng 12/2025.
Trong giai đoạn 2, các doanh nghiệp hoàn thành di dời trước tháng 12/2025 gồm các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích còn lại. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các doanh nghiệp còn lại trong KCN Biên Hòa 1 chủ động sắp xếp công tác di dời và hoàn thành công tác di dời doanh nghiệp ra khỏi đây theo đúng lộ trình đã được phê duyệt trong đề án.
Về chính sách bồi thường và hỗ trợ, dự kiến phương án bồi thường và hỗ trợ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua trong quý II/2024.
Hiện có 76 đơn vị đang thuê đất, hạ tầng còn hoạt động tại KCN Biên Hòa 1 gồm: 6 doanh nghiệp FDI và 70 doanh nghiệp nhà nước.
Được biết, tổng số lao động đang làm việc tại KCN Biên Hòa 1 là hơn 21.000 lao động. Trong đó, số lao động làm việc cho các doanh nghiệp FDI là hơn 6.000 người, số lao động làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam hơn 15.000 người.
>> 10 khu công nghiệp tại Hà Nội hút 6,7 tỷ USD vốn FDI, và 26.000 tỷ vốn đầu tư trong nước
Theo đó, quá trình thực hiện chuyển đổi sẽ tác động nhiều đến các doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí tuyển dụng, đào tạo người lao động mới khi công nhân cũ nghỉ việc do không thể di dời đến nơi mới.
Doanh nghiệp phải trả thêm một khoản lương để trợ cấp thôi việc khi công nhân không tiếp tục làm việc và trả thêm tiền lương ngừng việc trong quá trình di dời…
Đối với người lao động đa số làm việc lâu năm, sống ở TP. Biên Hòa nên phần lớn không thể đi theo doanh nghiệp đến nơi xa hơn. Khi nghỉ việc thì khó tìm việc mới do lớn tuổi.
Người lao động tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 lo lắng vì đa phần họ là lao động lâu năm, đều ở độ 40-50 tuổi, sắp về hưu. Nếu không theo nổi, họ nghỉ việc sẽ rất khó xin việc mới, cuộc sống đảo lộn.
Một số doanh nghiệp cho biết đều thống nhất chủ trương của tỉnh về việc di dời khỏi khu công nghiệp, tuy nhiên để di dời và việc xây dựng lại nhà máy không phải “một sớm một chiều” là thực hiện được.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đề xuất các doanh nghiệp sẽ di dời về KCN Giang Điền ở huyện Trảng Bom hoặc các khu công nghiệp nào trong tỉnh Đồng Nai nếu thấy thuận lợi.
>> Một doanh nghiệp muốn chi gần nghìn tỷ làm khu bến cảng tại Quảng Trị