Doanh nghiệp thiệt hại do cắt điện, ai đền bù?

18-06-2023 19:48|Thanh Trà

Đã đến lúc phải quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm với những ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Doanh nghiệp chật vật

Từ cuối tháng 5/2023 đến nay, hiện tượng cắt điện xảy ra thường xuyên gây đình trệ hoạt động sản xuất. Việc cắt điện đột ngột ở các địa phương thời gian qua đã gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp lớn, hầu hết địa phương khu vực phía Bắc đều có hiện tượng cắt điện đột ngột với lý do “quá tải, cần cắt điện để đảm bảo an toàn hệ thống.

Các doanh nghiệp khác có quy mô nhỏ hơn cố gắng giải quyết việc thiếu điện bằng việc mua dầu chạy máy nổ, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời và thiệt hại từ việc mua dầu lên tới cả trăm triệu đồng.

Doanh nghiệp thiệt hại do cắt điện, ai đền bù?

Do tình trạng mất điện đột ngột, đơn hàng giao chậm, doanh nghiệp phải đàm phán nhiều lần với đối tác, trình bày lý do bất khả kháng là mất điện, mong được thông cảm. Đối tác bày tỏ ngạc nhiên, không ngờ tới tình huống mất điện. Cuối cùng, hàng vẫn giao được, nhưng doanh thu bị ảnh hưởng. Cũng vì cắt điện đột ngột, tỷ lệ hàng lỗi tăng cao, nhiều phôi, dao cắt chuyên dụng bị hỏng, phải vứt bỏ.

Để ứng phó với tình trạng trên, một số doanh nghiệp chỉ nhận 80% công suất, trong khi vừa qua chạy 120% công suất.

Hay doanh nghiệp chế tác đá, mỗi lần khởi động máy nghiền bột đá, cả dây chuyền tiêu hao điện năng với chi phí lên tới 20-30 triệu đồng. Riêng những máy cắt đá đang hoạt động mà bị ngắt điện làm hư hại cả dây chuyền sản xuất

Việc mất điện liên tục khiến doanh nghiệp không thể chủ động trong công việc, mỗi ngày có 50 công nhân phải nghỉ làm, dây chuyền sản xuất bị đình trệ, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và khó khăn trong việc bố trí người làm hàng ngày.

Không chỉ đời sống hàng ngày của người dân bị ảnh hưởng, tình trạng cắt điện cũng làm cho công việc sản xuất kinh doanh bị tác động không nhỏ, gây ra thiệt hại về kinh tế. Những ngày qua, công nhân Công ty TNHH Hợp Thành - KCN Nguyễn Đức Cảnh cũng như nhiều công ty, doanh nghiệp khác tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Bình đến làm việc lúc 7 giờ và ra về lúc 12 giờ, chỉ bởi nguyên do mất điện phải dừng sản xuất.

Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xả ra sự cố thậm chí nguy cơ cháy, nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường. Chỉ tiêu phân bổ sản lượng điện của Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho các địa phương trong giai đoạn hiện nay được tính theo thời gian 5 ngày, có khi theo ngày, theo giờ trong khi nhu cầu sử dụng tăng cao nên Công ty buộc phải tiết giảm sản lượng điện đối với khách hàng không được ưu tiên cho phù hợp. Tập trung vào điện sinh hoạt gia đình, điện sản xuất.

Thiệt hại, ai đền bù?

Trong hợp đồng thì khách hàng không được chậm đóng tiền điện, còn ngành điện thì đưa ra đủ các lí do để cắt điện mà không quan tâm tới việc doanh nghiệp bị thiệt hại như thế nào.

Hiện nay, về các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp điện khi gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Theo quy định tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP: Đối với hành vi thực hiện không đúng quyền hạn về ngừng, giảm mức cung cấp điện, không đúng trình tự, đơn vị bán lẻ điện bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng; đơn vị phân phối điện bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Ngoài ra, đơn vị điện lực cắt điện sai quy định còn có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Thế nhưng, Luật Điện lực lại cho phép cắt điện khi “có sự cố, do sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện”.

Nghĩa là việc cắt điện thì thường đúng quy trình, ngành điện đủ lí do để ngưng cung cấp điện trong khi chứng minh thiệt hại của đơn vị sản xuất do bị cắt điện lại rất phức tạp.

Thế nên, dù thiệt hại nặng nề, nhưng các doanh nghiệp hầu như không thể, hoặc không dám khởi kiện, yêu cầu bên cung cấp điện đền bù. Bởi ngành điện còn nhiều khó khăn, còn doanh nghiệp luôn ở thế bị lép vế trong quan hệ mua - bán điện.

Ngành đặc thù lao đao vì điện

Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó do không thể bố trí lịch sản xuất trước tình trạng cắt điện không báo trước hoặc báo trước rất ngắn, có nơi chỉ 2-3 tiếng. Đại diện VASI nói: “ DN không được chia sẻ kế hoạch cắt điện luân phiên, nhiều nơi hỏi điện lực địa phương chỉ biết báo đợt tiếp theo cắt lúc nào, còn kế hoạch trong vài ngày, trong tuần cũng không rõ”.

Theo đó, VASI kiến nghị Bộ Công Thương và EVN cần hướng dẫn và yêu cầu điện lực các địa phương thay đổi cách thức liên lạc, trao đổi thông tin, cắt điện luân phiên cần báo trước ít nhất 24 tiếng, nếu có kế hoạch dài hơn thì chia sẻ cụ thể, chính xác đến khách hàng.

Do đặc thù sản xuất công nghiệp, các loại lò gia nhiệt, máy ép nhựa, cao su... cần chạy thời gian dài mới hiệu quả, đại diện VASI kiến nghị, chia phiên cắt điện hợp lý hơn, thời gian cắt điện - có điện càng dài càng tốt (2-3 ngày cắt 1 lần hoặc lâu hơn).

Ở ngành nghề đặc thù khác là logistic (hậu cần, trung chuyển), doanh nghiệp cũng đang đối mặt thiệt hại lớn vì mất điện. Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành phản ánh, thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên thường xuyên tại khu vực Hải Phòng.

Hoạt động khai thác cảng có đặc thù phải đảm bảo năng lực phục vụ 24/7 cho tất cả các khách hàng, duy trì thông suốt toàn bộ chuỗi cung ứng. Theo đó, việc cắt điện gây ra nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng…

Nhiều hồ thủy điện xuống sát mực nước chết

Công suất phụ tải tăng mạnh, EVN miền Bắc kêu gọi tăng cường tiết kiệm điện

Chính phủ đầu tư gần 5.000 tỷ đồng để kéo điện ra Côn Đảo

Bài thuộc chủ đề EVN vì sao thua lỗ?
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-thiet-hai-do-cat-dien-ai-den-bu-188297.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Doanh nghiệp thiệt hại do cắt điện, ai đền bù?
POWERED BY ONECMS & INTECH