Chứng khoán

Doanh nghiệp Trung Quốc tung chiêu mới né thuế thép, rào cản thương mại tại Việt Nam vẫn có 'kẽ hở'

Hải Băng 20/07/2025 - 23:59

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang lách thuế quan tại nhiều quốc gia bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm bán thành phẩm chưa bị áp thuế. Chiến thuật này không chỉ khiến Bắc Kinh lo ngại mà còn đặt ra thách thức mới với rào cản thương mại của nhiều nước khác.

Theo Reuters, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang tìm cách lách thuế quan tại nhiều quốc gia như Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tăng cường xuất khẩu phôi thép - sản phẩm bán thành phẩm chưa bị áp thuế thay vì thép thành phẩm. Chiến thuật này đang làm dấy lên lo ngại tại Bắc Kinh về việc gia tăng xuất khẩu hàng giá trị thấp.

Là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng điều tra chống bán phá giá chưa từng có, với 38 cuộc điều tra kể từ đầu năm 2023. Các đối tác thương mại lớn như Việt Nam và Hàn Quốc đã áp thuế nhập khẩu đối với thép Trung Quốc do lo ngại cạnh tranh không lành mạnh với ngành trong nước.

Dữ liệu hải quan cho thấy, 5 thị trường xuất khẩu phôi thép hàng đầu của Trung Quốc là Indonesia, Philippines, Ả Rập Xê Út, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước hiện chưa áp thuế lên mặt hàng này. Các quốc gia như Hàn Quốc và Việt Nam cũng chưa có rào cản thương mại đối với phôi thép, vốn thường được chế biến thành thép xây dựng và sản phẩm công nghiệp.

Theo phân tích của Mysteel, sự thiếu hụt rào cản thương mại với phôi thép so với thép thành phẩm đã thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh. Một phần trong số này là nhu cầu phục vụ hoạt động vận chuyển hàng hóa, các nước Đông Nam Á nhập phôi thép Trung Quốc, gia công rồi tái xuất sang Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, mức thuế 50% áp lên thép nhập khẩu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng áp dụng đã khiến việc tái xuất sang Mỹ kém hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp Trung Quốc tung chiêu mới né thuế thép, rào cản thương mại tại Việt Nam vẫn có 'kẽ hở'
Ảnh minh họa

Nguyên nhân sâu xa khiến Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu, dù là thép thành phẩm hay bán thành phẩm là do nhu cầu nội địa suy yếu. Nền kinh tế tăng trưởng chậm, lĩnh vực bất động sản lao đao khiến ngành thép trong nước dư cung, buộc các nhà máy tìm đường ra thị trường nước ngoài.

Sự bùng nổ xuất khẩu phôi thép khiến chính quyền Bắc Kinh lo ngại. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) mới đây đã khuyến nghị hạn chế xuất khẩu phôi thép, đồng thời chuyển hướng sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Theo Mysteel và Fubao, biên lợi nhuận từ phôi thép thấp hơn khoảng 400 - 500 nhân dân tệ so với thép thành phẩm - một khoảng chênh đáng kể khi xuất khẩu khối lượng lớn.

Muôn vàn kiểu né thuế

Việt Nam hiện đang dựng lên một loạt rào cản thương mại đối với thép Trung Quốc nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa.

Mới đây, Bộ Công Thương đã áp thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc có khổ rộng 1.800mm trở xuống, với mức thuế lên đến gần 28%, kéo dài đến năm 2028. Vụ việc do Hòa Phát (HoSE: HPG) và Formosa khởi xướng từ đầu năm 2024.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu thép HRC bản rộng (lớn hơn 1.800mm) để lách thuế. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lượng thép HRC khổ rộng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt gần 650.000 tấn, cao gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, loại khổ 2.000mm chiếm tới 74%. Hiện tại, Bộ Công Thương đang theo sát diễn biến vụ việc.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với tôn mạ Trung Quốc, theo yêu cầu từ nhóm doanh nghiệp trong nước như Hoa Sen, Nam Kim...

>> Thép Trung Quốc nghi lách thuế tràn vào Việt Nam gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, Bộ Công Thương chỉ đạo nóng

Thắng kiện thép HRC Trung Quốc, Hòa Phát (HPG) thiết lập kỷ lục mới

Hoa Sen (HSG) ước lãi 80 tỷ đồng/tháng bất chấp thuế quan, 60% thép HRC lấy từ Hòa Phát và Formosa

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-tung-chieu-moi-ne-thue-thep-rao-can-thuong-mai-tai-viet-nam-van-co-ke-ho-297025.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp Trung Quốc tung chiêu mới né thuế thép, rào cản thương mại tại Việt Nam vẫn có 'kẽ hở'
    POWERED BY ONECMS & INTECH