Doanh nghiệp Việt tìm hướng đi mới, gợi ý thay ưu đãi thuế bằng tiền mặt

24-04-2023 10:08|Minh Minh

Dự kiến thuế tối thiểu toàn cầu với mức 15% sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2024. Theo đó, doanh nghiệp đang đóng thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, sẽ phải nộp phần còn lại về cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong hội thảo về quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) ngày 18/4 cho biết hiện có 1015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế TTTC trong đó có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế TTTC áp dụng từ năm 2024.

Theo nguyên tắc áp dụng của sắc thuế này do tổ chức OECD/G20 công bố, các nước thành viên không bắt buộc phải áp dụng các quy định của thuế TTTC nhưng nếu lựa chọn áp dụng các quy định này thì các nước sẽ phải thực hiện nhất quán theo hướng dẫn. Trong trường hợp một nước không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận các quy định thuế TTTC được các thành viên khác áp dụng.

Doanh nghiệp Việt tìm hướng đi mới, gợi ý thay ưu đãi thuế bằng tiền mặt

Đến nay, hầu hết các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu; Thụy Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hồng Kông, Úc,… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024 trong đó Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản,… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế TTTC.

Điều này có nghĩa nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế TTTC thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024, ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Những doanh nghiệp FDI lớn đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15% tại Việt Nam có thể kể đến như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron,...

Trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để theo mức thuế 15% của thuế TTTC thì phần chênh lệch giữa mức thuế ưu đãi công ty FDI sẽ bị các nước khác thu về ngân sách của chính họ.

Tại hội thảo, một số doanh nghiệp FDI kiến nghị Việt Nam nên áp dụng cơ chế ưu đãi khoản hỗ trợ bằng tiền để bổ sung cho phần ưu đãi của các doanh nghiệp khi áp dụng thuế TTTC.

Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển chủ yếu thu hút đầu tư FDI bằng chính sách ưu đãi về thuế. Như vậy, khi tham gia áp thuế TTTC, trước hết các doanh nghiệp FDI sẽ thấy bất lợi, lãi sẽ ít đi hoặc có thể từ đang lãi chuyển thành lỗ… Điều này có thể khiến các doanh nghiệp xem xét lại các dự án đầu tư hiện có cũng như việc mở rộng đầu tư.

Tuy nhiên, với những tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động ở Việt Nam nhưng nhiều năm qua vẫn báo lỗ chưa đóng thuế thì có áp mức thuế nào cũng không liên quan. Song song đó, Việt Nam nên có nghiên cứu kỹ và đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút FDI không dựa vào ưu đãi về thuế, nhân công giá rẻ, thay vào đó là môi trường kinh doanh thông thoáng, kinh tế xã hội ổn định, thủ tục hành chính đơn giản minh bạch, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Ước tính số thuế TNDN nộp bổ sung vào NSNN khoảng 14.600 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-viet-tim-huong-di-moi-goi-y-thay-uu-dai-thue-bang-tien-mat-179673.html
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Doanh nghiệp Việt tìm hướng đi mới, gợi ý thay ưu đãi thuế bằng tiền mặt
POWERED BY ONECMS & INTECH