Trong khi tổng cầu thế giới giảm, cạnh tranh giữa các nước sản xuất gia tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn giải quyết bài toán nội tại để thích ứng với "luật chơi mới".
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 5 tuy đã tăng hơn 4% so với tháng trước đó nhưng tính chung 5 tháng đầu năm, kinh ngạch xuất khẩu vẫn giảm tới gần 12% so với cùng kỳ.
5 tháng qua, các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… đều gặp khó khăn về thị trường. Tìm kiếm khách hàng mới, đơn hàng mới, nhất là tận dụng lợi thế của các FTA để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu là nội dung quan trọng được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thực hiện.
Tuy nhiên, khác với những đợt suy thoái kinh tế trước đây, khủng hoảng kinh tế hiện nay diễn ra trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, đối thủ cạnh tranh tăng lên, những lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động, nguồn nhân lực dồi dào… không còn mang tính quyết định. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu có một số khó khăn, ngay cả khi Việt Nam đã ký kết các FTA nhằm thuận lợi hóa thương mại thúc đẩy sản xuất trong nước.
Thứ nhất, các FTA đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của các thị trường mới có thể tham gia các sân chơi này. Chẳng hạn, yêu cầu về an toàn thực phẩm với các sản phẩm nông sản; quy tắc xuất xứ, nguyên liệu tái chế trong lĩnh vực dệt may…
Thứ hai, trong khi các doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi sản xuất tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ FTA thì nhiều thị trường lớn trên thế giới lại có thêm hàng rào kỹ thuật như chuyển đổi năng lượng xanh sạch, sản xuất carbon thấp…
Tất cả những chính sách này, theo các chuyên gia kinh tế, đều là "luật chơi mới" trong cuộc đua không cân sức và tác động trực tiếp, nhiều nhất đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên từng nhấn mạnh: nếu không kịp thời tìm những giải pháp để tháo gỡ, xuất khẩu khó có thể đạt được mục tiêu cho năm nay và cho cả chu kỳ 5 năm, 10 năm tiếp theo.
Một trong những rào cản kỹ thuật đáng chú ý nhất hiện nay có tác động đến doanh nghiệp sản xuất là Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) tại EU vừa được Ủy ban châu Âu ban hành. Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 1/10/2023, giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/1/2024.
Trong giai đoạn này, CBAM sẽ tập trung vào hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện. Các nhà nhập khẩu phải báo cáo về mức độ phát thải khí nhà kính của sản phẩm nhập khẩu nhưng chưa phải nộp thuế. Sau khi CBAM có hiệu lực, các nhà nhập khẩu phải khai báo về mức độ phát thải của sản phẩm nhập khẩu năm trước để các cơ quan thẩm quyền xem xét và có thể tính thuế.
Trao đổi với báo chí, bà Phạm Châu Giang - chuyên gia cao cấp Quỹ VinaCapital cho rằng, CBAM sẽ không có tác động đáng kể đối với thương mại trong giai đoạn từ nay đến ngày 1/1/2026. Tuy nhiên, trong thời kỳ chuyển tiếp này, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng (điện, gas) và có mức độ phát thải khí nhà kính cao phải chuyển đổi công nghệ để không vấp phải rào cản thuế carbon qua biên giới mới trong tương lai, giảm tác động của CBAM có thể khiến giá trị xuất khẩu giảm, gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động của các rào cản kỹ thuật mới như CBAM hay “xanh hoá” sản xuất cần tăng tốc chuyển đổi. Bên canh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến "luật chơi mới" tới các doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất để thích ứng với sự thay đổi của thị trường xuất khẩu.
Các nước Đông Nam Á đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Thủ tướng: Tháo gỡ điểm nghẽn, đưa hợp tác kinh tế Việt Nam - Brazil phát triển xứng tầm