Doanh nhân Daymond John "đổi đời" nhờ đam mê Hiphop

29-03-2022 11:12|Hoá Kỹ

Kinh doanh thất bại và không hiểu bản thân muốn gì nhưng Daymond John cuối cùng tìm thấy đam mê với hip hop và thành lập hãng thời trang trị giá 6 tỷ USD.

Để có được thành công như ngày hôm nay chắc chắn Daymond John đã trải qua nhiều khó khăn, vấp ngã. Từ những điều đó Daymond John đã đúc kết và gói gọn lại và có thể chia sẻ những kinh nghiệm trên thương trường khốc liệt. 

Dưới đây là những kinh nghiệm quý báu của Daymond John:

Thiết lập mục tiêu

livetrade-duoc-shark-daymond-john-chuc-mung-featured-image.jpg

Cha của John mất khi ông mới 10 tuổi. Mẹ ông phải làm mọi việc để kiếm sống và cho rằng ông cũng nên phụ giúp chi trả hóa đơn trong nhà. John được giao các việc lặt vặt như phát tờ rơi quảng cáo hay làm việc tại trung tâm thương mại Queens ở thành phố New York, nơi ông sinh ra và lớn lên.

Ở tuổi thiếu niên, John bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên bằng cách tổ chức một bữa tiệc khổng lồ trên thuyền. Ông đã dùng hết số tiền trong thẻ tín dụng, vay mượn thêm để có được 20.000 USD thực hiện sự kiện lớn đó.

Vì không đủ tiền thuê chiếc thuyền sang trọng Princess Cruise Line, ông thuê chiếc Circle Line giá rẻ hơn. Ông chi 8.000 USD thuê DJ, 3.000 USD cho hệ thống âm thanh, 3.000 USD cho việc phát tờ rơi quảng cáo, 2.000 USD cho nhân viên trên thuyền và phần còn lại dùng để mua rượu.

Cuối cùng, sự kiện thất bại khi có rất ít khách đến dự. Bữa tiệc chỉ thu về 4.000 USD, và John lỗ 16.000 USD. Ông nhìn vào chiếc thuyền Princess Cruise Line kế bên tấp nập người ghé thăm mà không hiểu tại sao chương trình của mình lại thất bại.

"Thành công được hội tụ từ nhiều yếu tố. Ngày đó, tôi đã không biết rằng chỉ với việc phát tờ rơi và mạo hiểm mọi thứ mình có cũng không giúp tôi thành công được. Mãi nhiều năm sau tôi mới nhận ra ngoài đam mê làm giàu, còn cần có mục tiêu và kế hoạch cụ thể", Daymond John chia sẻ.

Lớn hơn một chút, ông vẫn không biết mình muốn gì. "Tôi không có ước mơ hay khát vọng nào vào thời điểm đó. Khi hip-hop bùng nổ và du nhập vào Queens, tôi muốn trở thành một phần của nó dù chưa biết làm thế nào. Nó ảnh hưởng mạnh đến tôi. Tôi sẽ sống, chết và thành công trong thế giới đó", John nói.

Tuy nhiên, ước mơ của John dường như bất khả thi khi ông không thể hát rap, cũng không biết nhảy hip-hop. Dù vậy John vẫn bị hấp dẫn bởi Russell Simmons, người mà theo ông, là "một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất trong cộng đồng hip-hop, kiếm tiền từ việc bán nhạc". Russell Simmons là nhà đồng sáng lập hãng đĩa hip-hop Def Jam, người tạo ra thương hiệu thời trang Phat Farm.

Một đêm nọ, khi John đang tham dự buổi biểu diễn hip-hop từ cánh gà, ông nhìn ra sân khấu và nhận ra mọi người trong khán phòng đều mặc một loại đồng phục. John liền nảy ra ý tưởng thiết kế trang phục cho cả cộng đồng hip-hop.

"Trước đó, cuộc sống của tôi chỉ toàn màu trắng và đen. Tôi đã không biết mình muốn làm gì trong đời nhưng chính khoảnh khắc ấy, cuộc đời tôi thay đổi từ trắng, đen sang màu sắc sặc sỡ", John nói.

Ông gọi cho mẹ và nói: "Con muốn thiết kế quần áo cho dân hip-hop. Họ rap, họ hát nhưng chẳng ai may đồ đậm chất hip-hop cho họ cả. Con sẽ làm điều đó".

Lên kế hoạch

daymond-john-fubu.jpg

Bước đột phá đầu tiên của John trong việc kinh doanh là may và bán mũ. Mẹ ông đã biến mảnh vải giá 40 USD thành những chiếc mũ và ông kiếm được 800 USD từ việc bán chúng. Với số tiền lời lớn như vậy, ông vui vẻ lái xe về nhà và đâm vào chiếc xe khác. Tai nạn đã tốn của John 800 USD.

"Mùi vị thành công đầu tiên đi nhanh như lúc nó đến, nhưng tôi vẫn không quên cảm giác ấy", John cho biết.

Sau này, khi sáng lập thương hiệu thời trang FUBU (viết tắt của cum từ "For Us, By Us"), thành công cũng nhanh chóng đến với John. Để quảng bá thương hiệu, ông đem 10 chiếc sơ mi đến những buổi quay video âm nhạc hip hop của các ca sĩ nổi tiếng mời họ mặc thử.

Ông từng ngồi lì trước nhà của LL Cool J và thuyết phục chàng rapper, diễn viên tài năng vốn kín tiếng này chụp một bức hình mặc áo sơ mi in thương hiệu FUBU.

Ông đem bức ảnh đó cùng các mẫu áo FUBU đến buổi trình diễn thời trang dành cho nam giới tổ chức một năm 2 lần tại Las Vegas để giới thiệu và tìm kiếm khách hàng. Tại đó, ông nhận được nhiều đơn đặt hàng với tổng trị giá 300.000 USD.

Thành công ngoài mong đợi khiến John choáng váng: "Tôi có nhiều tiền! Tôi thật giàu! Tôi sẽ chuyển đến Tahiti", ông tự nói với mình trên chuyến bay trở về nhà.

Để có vốn lưu động sản xuất lô quần áo FUBU đầu tiên, John đi vay ngân hàng nhưng bị từ chối không dưới 27 lần. Sau đó, mẹ ông cầm cố ngôi nhà của gia đình tại Hollis, Queens, với số tiền 100.000 USD để John xây dựng một nhà máy tạm thời.

Số tiền này nhanh chóng chỉ còn 500 USD khi John mua thêm máy may và vải thô. Tuy nhiên, John không thể hoàn thành đủ số lượng áo sơ mi trong đơn đặt hàng.

Trong nỗ lực gọi vốn cuối cùng, mẹ John đăng một mẩu quảng cáo trên báo địa phương và đại diện xưởng may của Samsung đã gọi cho John. Họ đề nghị tài trợ vốn cho ông với điều kiện ông phải kiếm được 5 triệu USD doanh thu trong vòng 3 năm tới.

"Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi đã mất nhà. Tôi cũng cạn sạch tiền. Nhưng tôi cũng biết mình sẽ không thể nào tự bán được 5 triệu USD tiền quần áo chỉ trong 3 năm", John nói.

Sau đó, nhờ nỗ lực nghiên cứu kỹ thị trường và tìm ra chiến lược kinh doanh đúng đắn, John đã bán được 30 triệu USD quần áo chỉ trong ba tháng đầu tiên.

Những sự kiện xảy ra trong thời gian đầu ra mắt FUBU đã dạy John bài học về tầm quan trọng của việc lên kế hoạch kỹ càng. Khi chưa đầu tư nghiên cứu chi phí sản xuất và tìm hiểu công việc điều hành, ông gần như tự giết chết công ty và làm mất nhà của mẹ. Nhưng khi biết mình phải làm gì, dự trù được các khoản tài chính cần có, ông đã đồng ý hợp tác với Samsung, vì biết có khả năng làm được.

Xây dựng thương hiệu cá nhân

by3ypt7izzfirflcl4z25c5ihq.jpg

Sau thành công của FUBU, John bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình, chia sẻ về công việc kinh doanh cũng như hành trình đưa những chiếc áo sơ mi từ đường phố vào trung tâm thương mại tại Queens, và sau này phát triển thành một thương hiệu. John cũng được mời vào chương trình khởi nghiệp Shark Tank, Mỹ.

Tham gia Shark Tank giúp ông nhận ra các nhà đầu tư không đầu tư vào công ty mà vào con người. Trong thời đại kỹ thuật số, thương hiệu cá nhân là thứ đặc biệt quan trọng.

John khuyên mỗi người nên có riêng 2 đến 5 từ có thể miêu tả bản thân, bao gồm việc bạn là ai và bạn làm gì với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, đó phải là những từ dễ nhận biết, để các nhà đầu tư sẽ có những cách đánh giá về bạn và công ty trước khi quyết định rót vốn.

Kiên trì


John chia sẻ: "Nếu bạn nghĩ rằng có nhiều thứ trong cuộc sống đang cố kéo bạn tụt lại phía sau thì tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi vốn mắc chứng khó đọc. Tôi còn lùn. Tôi lại nghỉ học giữa chừng, không học tiếp lên đại học. Tôi chẳng quen ai nổi tiếng, cũng không có họ hàng với bất kỳ ngôi sao nào. Tôi có thể nói mình là con trai của Elton John nhưng ai tin tôi chứ.


Tôi không thể hát rap, cũng không biết ném bóng rổ, chơi bóng chuyền hay bất cứ thứ gì mọi người có thể chơi với một trái bóng. Nhưng tôi đã thành công và ngồi đây chia sẻ với bạn những điều này. Một phần vì tôi là người kiên trì".

John cho hay lý do khiến FUBU thành công trong những ngày đầu ra mắt là vì ông liên tục tìm thấy giải pháp giải quyết vấn đề vào những khoảnh khắc mà ai cũng chán nản và muốn bỏ cuộc nhất.

"Tôi từng thất bại nhiều hơn thành công. Dù vậy, cánh cửa thành công không bao giờ khép lại với những người luôn cố gắng và nỗ lực. Bạn phải luôn nỗ lực và đừng bao giờ từ bỏ", nhà đầu tư Shark Tank Daymond John nhấn mạnh.

Đam mê công việc

Bí quyết thành công cuối cùng John chia sẻ là niềm đam mê sâu sắc của ông dành cho công việc. John nói: "Tôi yêu những gì tôi làm. Và tôi biết những người thành công đều có một đặc điểm chung, đó là họ yêu công việc của mình".

Bài thuộc chủ đề Công nghệ, Truyền thông
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nhan-daymond-john-doi-doi-nho-dam-me-hiphop-123949.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nhân Daymond John "đổi đời" nhờ đam mê Hiphop
    POWERED BY ONECMS & INTECH