Doanh nghiệp

Hòa Phát (HPG) bắt tay đơn vị đào tạo kỹ sư hàng đầu Việt Nam, dốc sức hoàn thiện siêu công nghệ thép ray

Quang Dương 17/07/2025 - 11:51

Sự kiện này sẽ mở ra hướng phát triển mới trong đào tạo, nghiên cứu và công nghệ vật liệu thép.

Ngày 16/7/2025, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Thỏa thuận này được thiết lập nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi bên, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thông qua hợp tác, Hòa Phát kỳ vọng tăng cường kết nối với đội ngũ giảng viên, chuyên gia đầu ngành để thúc đẩy các chương trình nghiên cứu – chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, cũng như đào tạo nguồn lực kỹ thuật chất lượng cao.

Hòa Phát (HPG) bắt tay đơn vị đào tạo kỹ sư hàng đầu Việt Nam, dốc sức hoàn thiện siêu công nghệ thép ray
Tập đoàn Hòa Phát ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội. Nguồn: Hòa Phát

>> Hòa Phát (HPG) chốt ngày khởi công nhà máy thép ray 14.000 tỷ đồng, đặt nền móng cho loạt dự án đường sắt trăm tỷ USD

Một trong những trọng tâm là nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất các loại thép kỹ thuật cao như thép kỹ thuật điện, thép làm đường ray, phát triển các mác thép mới… Trong khi đó, Đại học Bách khoa Hà Nội kỳ vọng mở rộng cơ hội tiếp cận thực tiễn cho cán bộ, giảng viên và sinh viên, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo – nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực luyện kim – một trong những ngành mũi nhọn của Hòa Phát.

Không chỉ dừng ở công tác đào tạo, Hòa Phát và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ cùng hợp tác triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học – công nghệ trong các lĩnh vực như: Gang thép, vật liệu mới, môi trường, kiểm nghiệm và đánh giá theo chuẩn quốc tế... Bên cạnh đó, hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số cũng sẽ được ưu tiên triển khai, với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, giảng viên và sinh viên hai bên.

Ngoài các nội dung đã thống nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đề xuất xây dựng các phòng thí nghiệm dùng chung, phối hợp đánh giá dự án đầu tư, môi trường, đồng thời mở rộng các hình thức hợp tác khác phù hợp với định hướng phát triển từng giai đoạn.

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 75/2025/TT-BTC quy định về tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Đáng chú ý, Thông tư quy định thời gian sử dụng hạ tầng đường sắt quốc gia từ 25 đến 80 năm, với tỷ lệ khấu hao từ 1,25-4% mỗi năm; hệ thống đường ray của đường sắt đô thị có thời gian sử dụng lên đến 100 năm, khấu hao 1% mỗi năm.

Hiện tại, Tập đoàn Hòa Phát đang đăng ký sản xuất thanh ray cho hạ tầng đường sắt tại Việt Nam. Hồi tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Hòa Phát nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt là thép ray phục vụ đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc và các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới.

Đến tháng 5/2025, Hòa Phát và Tập đoàn SMS Group (Đức) đã ký hợp đồng cung cấp công nghệ và dây chuyền sản xuất thép ray, thép hình với công suất 700.000 tấn mỗi năm. Dây chuyền này là một cấu phần quan trọng trong dự án nhà máy sản xuất thép ray và thép hình của Hòa Phát tại Dung Quất (Quảng Ngãi), với tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng. Dự kiến, dây chuyền sẽ hoàn thành trong vòng 20 tháng, cho ra sản phẩm đầu tiên vào quý I/2027.

Ray thép cho đường sắt tốc độ cao đòi hỏi chất lượng rất cao. Thép phải được luyện từ quặng sắt ít tạp chất, đạt chiều dài lên đến 100m, có độ thẳng và độ phẳng cao, cùng độ cứng vượt trội.

Tỷ phú Trần Đình Long tự tin sản phẩm thép ray đường sắt cao tốc của Hòa Phát sẽ có chất lượng tốt, giá thành hợp lý và đủ sức cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài. Ngoài đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sản phẩm còn hướng đến phục vụ các dự án đường sắt đô thị và các tuyến kết nối liên vùng.

Là đối tác quan trọng của Tập đoàn Hòa Phát trong lĩnh vực sản xuất thép, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định vị thế hàng đầu về đào tạo kỹ thuật – công nghệ tại Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng đại học thế giới của tổ chức Quacquarelli Symonds năm 2022, cả 5 nhóm ngành được xếp hạng năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội đều tăng hạng, đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 300 đến 450 tốt nhất thế giới, đưa lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của Trường xếp thứ 360 thế giới.

Nhóm ngành Khoa học Vật liệu của Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên được xếp hạng, nhưng đã chiếm vị trí cao nhất trong số các trường đại học tại Việt Nam. Nhóm ngành Khoa học Vật liệu năm nay nằm trong nhóm 401-410 thế giới.

Đặc biệt, lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của Bách khoa Hà Nội là lĩnh vực thế mạnh của trường xuất hiện trong danh sách ở vị trí 360 thế giới và số 1 Việt Nam.

>> Hòa Phát (HPG) báo lãi hơn 7.600 tỷ đồng sau nửa đầu năm, sản lượng HRC đạt 9 triệu tấn

Hòa Phát (HPG), Viglacera (VGC), Vicem đề xuất loạt chính sách với Bộ Xây dựng

Cổ phiếu HPG (Hòa Phát) lên đỉnh 3 năm, tài sản gia đình ông Trần Đình Long vượt 67.000 tỷ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoa-phat-hpg-bat-tay-don-vi-dao-tao-ky-su-hang-dau-viet-nam-doc-suc-hoan-thien-sieu-cong-nghe-thep-ray-296704.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hòa Phát (HPG) bắt tay đơn vị đào tạo kỹ sư hàng đầu Việt Nam, dốc sức hoàn thiện siêu công nghệ thép ray
    POWERED BY ONECMS & INTECH