Doanh nhân Đỗ Hà Nam người hùng thầm lặng đưa Intimex lên vị trí số 1 về xuất khẩu gạo và cà phê

15-11-2023 20:32|Mai Chi

Nhiều năm nay Tập đoàn Intimex luôn đứng đầu bảng về kim ngạch xuất khẩu cà phê nhờ sự dẫn dắt của doanh nhân Đỗ Hà Nam.

Mới đây Bộ Công Thương công bố công khai Kết quả sơ tuyển “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2022” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex là tên tuổi nổi bật đứng đầu bảng doanh nghiệp xuất khẩu cafe và gạo với kim ngạch xuất khẩu bỏ xa vị trí thứ 2. Ngoài ra Intimex còn trong top 10 xuất khẩu hạt điều.

Doanh nhân Đỗ Hà Nam người hùng thầm lặng đưa Intimex lên vị trí số 1 về xuất khẩu gạo và cà phê
Kết quả sơ tuyển “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2022”

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group) khẳng định, dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, chỉ cần giữ được chữ tín thì thành công nhất định sẽ đến. Đây cũng chính là kim chỉ nam giúp ông “chèo lái” Intimex ngày càng tiến về phía trước.

Ngoài ra ông Nam đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA).

Ông Đỗ Hà Nam là ai?

Ông Đỗ Hà Nam sinh ngày 28/9/1956, quê quán ở Quảng Nam. Ông có trình độ chuyên môn là Kỹ sư Kinh tế nông nghiệp - Đại học Bách khoa Hà Nội và Cử nhân Kinh tế - Đại học Ngoại thương Hà Nội. Sau đó ông theo học kỹ sư nông nghiệp tại Bulgaria từ năm 1974.

Doanh nhân Đỗ Hà Nam người hùng thầm lặng đưa Intimex lên vị trí số 1 về xuất khẩu gạo và cà phê
Doanh nhân Đỗ Hà Nam

Năm 1979 ông về nước và đầu quân cho Công ty Vật tư tổng hợp (thuộc Bộ Vật tư) đóng trên địa bàn tỉnh Phú Khánh. Thời điểm đó, ông là nhân viên vật tư phụ trách việc kinh doanh thiết bị, máy móc trước năm 1975 để lại, sau đó tháo phụ tùng để bán cho các doanh nghiệp, nhà máy trong hệ thống nhà nước để có thể tái sử dụng.

Vốn có xuất thân là dân kỹ thuật, hiểu rõ từng thiết bị nên ông đưa ra giá bán hợp lý, đồng thời xin ra Bắc khai thác vật tư dư thừa của địa phương khác mà Phú Khánh cần để mang về. Nhờ đầu óc tư duy nhanh nhạy, mang đến cho cơ quan nhiều lợi nhuận nên ông Đỗ Hà Nam được lên vị trí phó phòng từ khi còn rất trẻ.

Năm 1989, sau khi tỉnh Phú Khánh tách ra thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, đồng thời Công ty Intimex thành lập chi nhánh ở Đà Nẵng, ông Đỗ Hà Nam chuyển về Quảng Nam - Đà Nẵng công tác.

Ông Nam nhận ra rằng, người dân Liên Xô rất cần hàng nông sản vì họ sẵn sàng đổi những sản phẩm điện tử và điện gia dụng, thậm chí là ô tô lấy hàng nông sản Việt, đặc biệt là cà phê. Với cà phê, không chỉ Liên Xô mà cả thế giới đều có nhu cầu.

Vì thế, ông Đỗ Hà Nam quyết định mang cà phê đi xuất khẩu theo hình thức trao đổi hàng hóa với các nước XHCN rồi nhập ô tô, các thiết bị điện tử, điện gia dụng, xe máy về bán lại cho người dân trong nước.

Nhờ sự nhạy bén của mình, Đỗ Hà Nam đã mang về lợi nhuận khủng cho công ty và được giao nhiều vị trí quan trọng.

Năm 2006 trong khi nhiều doanh nghiệp đang băn khoăn trước chủ trương cổ phần hóa, thì ông Nam lúc này đang làm lãnh đạo tại Intimex đã xung phong cho doanh nghiệp của mình được thí điểm cổ phần hóa. Ngày 1/7/2006, doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Con đường trở thành “ông vua” xuất khẩu cà phê Việt của doanh nhân Đỗ Hà Nam và hiếc chìa khóa vàng M&A

Sau khi cổ phần hóa, mức vốn ban đầu của Intimex chỉ vỏn vẹn 14 tỷ đồng, bài toán của vị doanh nhân 5x vừa phải kiện toàn bộ máy, vừa tìm hướng mới cho công ty. Kinh doanh cà phê dù khá ổn định nhưng với ông Nam, nếu chỉ theo mỗi cà phê thì khá rủi ro. Vì thế, ông chủ trương phát triển thêm những sản phẩm tiềm năng khác như hồ tiêu, hạt điều, gạo. Đồng thời, ông còn cho xây dựng các doanh nghiệp mới cả trong và ngoài nước, từng bước đưa Intimex trở thành tập đoàn hoạt động đa ngành, đa nghề, đa quốc gia.

Doanh nhân Đỗ Hà Nam người hùng thầm lặng đưa Intimex lên vị trí số 1 về xuất khẩu gạo và cà phê
Tiêu chuẩn chất lượng của Intimex

Đặc biệt một yếu tố để Intimex phát triển bền vững là nhờ những quyết sách M&A khôn ngoan của ông Đỗ Hà Nam và ban lãnh đạo. Có thể thấy, quá trình phát triển của Intimex Group luôn gắn liền với hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp có cùng chức năng, ngành nghề. Đây được coi là một trong những chiếc “chìa khóa” thành công quan trọng của Intimex Group.

Nhờ vậy, Intimex Group nắm cổ phần chi phối (từ 51% trở lên) của 12 doanh nghiệp thành viên. Có những thời điểm, hoạt động M&A giúp Công ty đạt mức tăng trưởng 50-100%, tạo nên bước phát triển mạnh cho Intimex Group.

Đơn cử như năm 2012 các công ty thành viên đã đóng góp gần 10.000 tỷ đồng trong 27.000 tỷ đồng tổng doanh thu.

Hiện nay, mạng lưới hoạt động của Intimex Group trải dài từ Bắc đến Nam với 6 chi nhánh và 14 đơn vị thành viên mà Tập đoàn nắm giữ cổ phần chi phối, trong đó có 1 đơn vị thành viên được thành lập tại nước ngoài. Trong lĩnh vực chế biến, Intimex Group sở hữu 11 nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu với tổng công suất đạt 570.000 tấn/năm.

Ngoài ra, tập đoàn còn có 1 nhà máy chế biến tiêu sạch xuất khẩu tại Bình Dương công suất 5.000 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến gạo tại Đồng Tháp với công suất 150.000 tấn/năm; 3 phân xưởng chế biến điều xuất khẩu ở Tây Ninh và Bình Dương; 5 Trung tâm Thương mại tại Buôn Ma Thuột, Đắk Mil, Tây Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng; 1 nhà máy sản xuất bê tông công suất 1,3 triệu m3/năm và 1 mỏ khai thác đá tại Đà Nẵng công suất 180.000 m3/năm; cùng với 1 nhà máy sản xuất gạch tuynel tại Lâm Đồng công suất 30 triệu viên/năm.

Thị trường hoạt động kinh doanh của Tập đoàn mở rộng ra hầu hết các thị trường lớn trên toàn cầu, đặc biệt là Châu Âu, Mỹ, Tây Á, Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, ASEAN…

Hàng năm Intimex thu cả tỷ đô từ xuất khẩu cả triệu tấn gạo, cà phê

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn khoảng 1,2 tỷ USD. Trong năm, sản lượng xuất khẩu mặt hàng gạo của công ty tăng 28% đạt 813.153 tấn, tiếp tục đứng số 1 cả nước về xuất khẩu gạo năm 2022 với tỷ trọng thị phần so với cả nước 11,26%.

Doanh nhân Đỗ Hà Nam người hùng thầm lặng đưa Intimex lên vị trí số 1 về xuất khẩu gạo và cà phê

Sản lượng xuất khẩu mặt hàng cà phê giảm nhẹ 1% đạt 404.533 tấn, tỷ trọng thị phần so với cả nước 23,5%, giữ vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê. Bên cạnh đó, nhà máy chế biến cà phê hòa tan hoạt động ổn định, sản xuất đã đạt công suất 3.500 tấn/năm, lượng xuất khẩu đạt gần 800 tấn và bước đầu tham gia sâu vào chuỗi giá trị cà phê thế giới.

Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu và hạt điều lần lượt đạt 5.137 tấn và 3.156 tấn.

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu của Intimex Group năm 2022 đạt 50.867 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Trong đó, doanh thu của công ty mẹ đạt 23.385 tỷ đồng, chiếm 46% tổng doanh thu toàn Tập đoàn, lợi nhuận trước thuế đạt 67 tỷ đồng và doanh thu của các đơn vị thành viên đạt 27.482 tỷ đồng, chiếm 54% tổng doanh thu toàn tập đoàn, lợi nhuận trước thuế các công ty con đạt 86 tỷ đồng.

Nhìn chung, tổng doanh thu của Tập đoàn từ năm 2012 đến nay đang nằm trong xu hướng tăng và tăng mạnh trong 2 năm gần đây với tổng doanh thu năm 2021 tăng 27% và năm 2022 tăng 13%

Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2023, Intimex Group đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu 1,37 tỷ USD, tăng 12% và tổng doanh thu 59.227 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2022.

Ông chủ đứng sau tổ hợp Artemis: Từ giảng viên Học viện Phòng không Không quân đến đại gia bất động sản

Tiến độ của 5 dự án nhà ở xã hội đang triển khai tại Hà Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nhan-do-ha-nam-nguoi-hung-tham-lang-dua-intimex-len-vi-tri-so-1-ve-xuat-khau-gao-va-ca-phe-210960.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nhân Đỗ Hà Nam người hùng thầm lặng đưa Intimex lên vị trí số 1 về xuất khẩu gạo và cà phê
    POWERED BY ONECMS & INTECH