Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết ông sẽ chuyển toàn bộ cổ phiếu của mình vào một quỹ phi lợi nhuận.
Ông Lê Phước Vũ được biết đến là một phật tử và đã chính thức đi tu, đem đời mình nương nhờ cửa Phật hồi tháng 7/2020 sau một thời gian dài ẩn mình. Tuy nhiên, đại gia này vẫn quyết định những công việc quan trọng tại Tập đoàn Hoa Sen.
Khởi nghiệp với 2 chỉ vàng
Doanh nhân Lê Phước Vũ sinh năm 1963 trong một gia đình khó khăn tại Bình Định. Tuy nhiên, ông vẫn được gia đình cho học hành tử tế. Đến năm 1979, Lê Phước Vũ tốt nghiệp trường Trung cấp giao thông Vận Tải Phú Tài, Bình Định. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Lê Phước Vũ và gia đình đã cùng nhau vào miền Nam lập nghiệp.
Sau khi vào miền Nam, Lê Phước Vũ đã trải qua khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời mình. Ông làm đủ mọi nghề, đi nhiều nơi để kiếm sống. Năm 1983, Lê Phước Vũ đến Tây Ninh làm lái xe cho một công ty vận tải.
Mặc dù vậy, cuộc sống của gia đình Lê Phước Vũ không khá giả. Vì vậy, ông và gia đình quyết định quay về Buôn Mê Thuột. Nhưng chỉ hai tháng sau, gia đình Lê Phước Vũ gần như tay trắng quay lại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tưởng chừng như cuộc đời Lê Phước Vũ sẽ mãi sống trong cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, ông tình cờ chuyển hướng sang kinh doanh với một cơ hội đầy bất ngờ.
Ở Sài Gòn, Lê Phước Vũ được đề cử giữ vị trí quản đốc tại công ty gỗ Đức Thành. Trong thời gian này, ông tình cờ gặp gỡ Giám đốc một công ty thép nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Quý mến sự thật thà, tư chất thông minh và đặc biệt ý chí vươn lên mạnh mẽ của chàng trai Việt vị Tổng Giám đốc nọ gợi ý cho Lê Phước Vũ thử tự kinh doanh.
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, Lê Phước Vũ quyết định sử dụng 2 chỉ vàng tiền dành dụm để bắt đầu khởi nghiệp.
Người đưa Hoa Sen nhiều lần "vượt bão"
Năm 1994, Lê Phước Vũ mở cửa hàng bán tôn tại ngã tư An Sương, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1997, cạnh tranh gay gắt trên thị trường khiến cửa hàng của ông lâm vào tình cảnh nguy hiểm. Ông Lê Phước Vũ đã nảy sinh ý định “mua tận gốc, bán tận ngọn” và dự định tự sản xuất tôn.
Lúc này, chiếc máy cán tôn có giá đến 120.000 USD, vượt quá khả năng của gia đình ông. Vì vậy, ông đã tự mày mò tài liệu, mua các linh kiện và tự chế tạo máy cán tôn. Năm 1997, Lê Phước Vũ mở xưởng cán tôn đầu tiên của riêng mình.
Những năm tiếp theo, công việc kinh doanh của ông dần trở nên ổn định. Tuy nhiên, ông vẫn luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm, công nghệ mới phục vụ việc kinh doanh. Đến năm 2001, Lê Phước Vũ thành lập CTCP Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, 3 chi nhánh, 22 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, công ty dần lớn mạnh và chiếm lĩnh thị trường.
Năm 2003, Hoa Sen đưa vào hoạt động nhà máy cán tôn mạ màu, công suất 45.000 tấn/năm. Đến năm 2007, công ty đã nâng công suất dây chuyền tôn mạ kẽm lên 100.000 tấn/năm, khánh thành nhà máy thép cán nguội công suất 180.000 tấn/năm. Cũng trong năm 2007, CTCP Hoa Sen được đổi tên thành CTCP Tập đoàn Hoa Sen.
Nhờ phương châm hoạt động đúng đắn, Hoa Sen đã đứng vững qua khủng khoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khi giá thép cán nóng giảm xuống dưới 500 USD/tấn. Không những thế, công ty còn có lãi trên 1.000 tỉ đồng và tấn công thị trường với việc đầu tư dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ với công suất lớn gấp 3 lần tổng công suất của Hoa Sen lúc bấy giờ.
Ông Vũ nổi tiếng trên thương trường nhờ những quyết định táo bạo. Khi Hoa Sen đứng trước nguy cơ bị phá sản trong khủng hoảng kinh tế, ông đã bất ngờ bán tháo tất cả hàng trong kho, rồi sau đó mua lại với giá rẻ hơn, nhu cầu tới đâu mua tới đó.
Cũng chính vào năm 2008, CTCP Tập đoàn Hoa Sen chính thức lên sàn chứng khoán với mã HSG. Vốn điều lệ ban đầu của công ty khoảng 570,4 tỷ đồng.
Thời điểm đó, trong lúc nhiều doanh nghiệp khác còn đang gượng dậy sau khủng hoảng thì Lê Phước Vũ đã đẩy mạnh xây dựng hàng loạt dự án lớn như: Nhà máy Thép cán nóng Hoa Sen, Nhà máy Cán thép Xây dựng Hoa Sen, Nhà máy Ống thép Hoa Sen…, và thu hút được các nhà đầu tư tài chính quốc tế lớn như Red River Holding, Deutsch Bank, STIC Investments, Dragon Capital, KITMC…
Doanh nhân gốc Bình Định cũng tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra nhiều quốc gia như Lào, Thái Lan, Myanmar…, duy trì tốc độ tăng trưởng và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôn – thép hàng đầu Đông Nam Á với doanh thu gần 300 triệu USD vào năm 2014. Đây cũng được xem là hệ thống bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng có quy mô và hiệu quả nhất hiện nay trong ngành tôn – thép Việt Nam.
Khi được hỏi có mạo hiểm quá hay không khi đưa thương hiệu tôn Hoa Sen ra thị trường thế giới thì ông cho rằng, "mạnh dùng lực, yếu dùng thế". Ông thường ví von các tập đoàn nước ngoài như người khổng lồ trên võ đài tung những cú đấm mạnh nhưng nếu mình khôn ngoan, biết cách “né đòn” thì họ sẽ không đánh tới ta được.
Theo ông Vũ yếu tố quan trọng để vượt qua mọi khó khăn là phải có một tầm nhìn tốt, biết cái “thế” của mình để đưa ra chiến lược đúng và biết thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Về tình hình kinh doanh hiện tại, do những khó khăn trong của thị trường nên Tập đoàn Hoa Sen cũng như nhiều doanh nghiệp ngành thép khác đang gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động kinh doanh. Theo kết quả kinh doanh quý 1 niên độ 2022-2023 (từ ngày 01/10/2022 đến ngày 31/12/2022), Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.917 tỷ đồng - giảm nhẹ so với quý liền trước. Tuy nhiên lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, lợi nhuận gộp từ âm quý 4 niên độ 2021-2022 chuyển sang dương 160 tỷ đồng trong quý 1 niên độ 2022-2023. Kết quả, HSG báo lỗ sau thuế 680 tỷ đồng.
Phát biểu tại ĐHCĐ, người đứng đầu tập đoàn vẫn rất lạc quan: “Trong 4 tháng từ tháng 10/2022-1/2023, Hoa Sen lỗ hơn 800 tỷ đồng, trong đó riêng tháng 1/2023 lỗ hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hoa Sen đã bắt đầu có lãi trở lại trong tháng 2/2023, với ước tính lợi nhuận ròng khoảng 50 tỷ đồng. Tháng 3/2023, Hoa Sen dự báo có lợi nhuận trên dưới 100 tỷ đồng. Chắc chắn đã có lời lại nên cổ đông yên tâm HSG sẽ không bị cắt margin”.
Quyết tâm xuất gia và không để lại tài sản cho con cháu
Tại phiên họp thường niên sáng 10/3/2023, ông Vũ nhắc lại tuyên bố rút khỏi Tập đoàn Hoa Sen để xuất gia vào năm 2026 được chia sẻ lần đầu cách đây 2 năm. Ông từng cho biết đây là ước mong từ năm 30 tuổi, không gì có thể lay chuyển. Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đã mua đất, xây chùa ở Lâm Đồng để chuẩn bị cho kế hoạch này.
"Bốn năm nữa, tôi sẽ là một ông sư. Tôi phải giữ đúng giới luật của Phật là vô sở hữu. Bởi vậy 3 năm qua, tôi trăn trở giải quyết vấn đề thừa kế và chọn người lãnh đạo Hoa Sen trong tương lai", ông Vũ nói.
Ông cho biết giải pháp đưa ra sau nhiều cân nhắc là chuyển toàn bộ cổ phiếu đứng tên mình vào một quỹ phi lợi nhuận mang tên Đại Tùng Lâm Hoa Sen. Theo số liệu cập nhật mới nhất vào ngày 31/1, ông là cổ đông lớn nhất của Hoa Sen khi nắm gần 102 triệu cổ phiếu, tương đương 17,02% vốn. Khối cổ phiếu này theo giá thị trường khoảng 1.600 tỷ đồng.
Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen nói rằng ông sẽ là Chủ tịch danh dự của quỹ phi lợi nhuận này. Con cháu, người thân nếu ông đánh giá "là người có đạo đức, chính trực, tâm thiện lương, biết phụng sự, khiêm nhường" sẽ được bổ nhiệm vào hội đồng điều hành quỹ và trả thù lao xứng đáng.
"Tôi không để lại tài sản cho con cháu bởi muốn chúng hiểu việc kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi nước mắt thế nào mà biết quý trọng, biết đồng cảm với người nghèo kẻ khổ", ông Vũ chia sẻ.
Đối với vấn đề nhân sự kế thừa, ông Vũ tự tin đội ngũ hiện tại đã chín muồi và dư sức thực hiện ý đồ chiến lược, tầm nhìn của mình là chuyển đổi tập đoàn này từ một nhà sản xuất tôn thép, ống nhựa thành một nhà phân phối vật liệu xây dựng, trang trí nội thất.
Hiện ông Vũ không xuất hiện thường xuyên mà cứ mỗi 1-2 tháng mới từ trên núi xuống thành phố họp một lần, còn lại trao đổi công việc qua điện thoại.