Doanh thu năm 2023 của Petrovietnam (PVN) cao kỷ lục

04-01-2024 20:30|Bình An

Bên cạnh kỷ lục về doanh thu, PVN cũng xác lập nhiều kỷ lục mới về chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh ngành dầu khí trong năm 2023.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam, PVN) cho biết năm 2023 là thời điểm xảy ra nhiều khó khăn hơn thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và với ngành dầu khí, PVN nói riêng.

Một số thách thức được PVN liệt kê ra có thể kể tới như tình hình địa chính trị quốc tế và Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường; biến động lớn về cung - cầu và giá các sản phẩm năng lượng suy giảm mạnh so với năm 2022 (giá dầu thô giảm 17-38% (88,7-107 USD/thùng), giá phân bón giảm 25-30%.

Cùng với đó, biên lợi nhuận lọc hóa dầu giảm 24-26% so với năm 2022 (13,5-18,2 USD/thùng). Ngoài ra, lạm phát toàn cầu duy trì ở mức cao khiến cho cầu về tiêu dùng hàng hóa suy giảm mạnh.

Dù vậy, ban lãnh đạo PVN cho biết doanh nghiệp đã vượt qua năm 2023 đầy thách thức, tận dụng cơ hội để hoàn thành và về đích sớm các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, PVN cũng thiết lập nhiều kỷ lục mới trong lịch sử xây dựng và phát triển ngành dầu khí.

Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2023 lập kỷ lục mới trong lịch sử hình thành và phát triển khi đạt 942.800 tỷ đồng, đồng thời phá kỷ lục của năm 2022 khi tăng 11.600 tỷ đồng (931.200 tỷ đồng).

PVN cho biết đây là nỗ lực rất lớn của toàn Tập đoàn trong điều kiện giá xuất bán các sản phẩm chủ lực của PVN giảm từ 17,1% đến 30% so với năm 2022. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tương đương 9,2% GDP cả nước.

Doanh thu năm 2023 của Petrovietnam (PVN) cao kỷ lục
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: PVN).

Cùng với PVN, các đơn vị thành viên cũng thiết lập các kỷ lục trong sản xuất xăng dầu và đạm. Trong năm 2023, với việc áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt công suất trung bình trong năm là 112%, Nhà máy Lọc Dầu Nghi Sơn hoạt động 105% công suất từ tháng 11/2023 đến nay.

Cùng với hai nhà máy lọc dầu, Nhà máy Đạm Cà Mau cũng duy trì công suất bình quân cả nhà máy đạt 110-115%. Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt 114% công suất bình quân sản xuất đạm urea. Sản lượng đạm từ hai nhà máy đã đáp ứng trên 73% nhu cầu phân bón của cả nước.

Doanh thu năm 2023 của Petrovietnam (PVN) cao kỷ lục
Người lao động tại Nhà máy Đạm Cà Mau. (Ảnh: PVN).

Điều này đã góp phần làm nên một năm 2023 thắng lợi của lĩnh vực chế biến dầu khí kể từ khi thành lập. CỤ thể, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt kỷ lục trong sản xuất với 7,3 triệu tấn xăng dầu và 950.000 tấn urea. Kết quả này đã đưa chỉ tiêu sản xuất xăng dầu của toàn Tập đoàn vượt 33% và sản xuất đạm urea vượt 9% so với kế hoạch.

Bên cạnh việc nâng cao công suất của các nhà máy, các đơn vị của PVN cũng tích cực mở rộng quy mô kinh doanh, điển hình như PVOIL đã mở rộng quy mô tới 762 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc.

Kết quả này giúp PVOIL cũng thiết lập kỷ lục kinh doanh xăng dầu với 5,2 triệu m3 trong năm 2023, hoàn thành trước hai năm so với mục tiêu chiến lược, kế hoạch 5 năm, cung cấp 20% thị phần kinh doanh nội địa.

Tương tự PVOIL, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) cũng tích cực triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh LPG không chỉ trong mà còn ở ngoài nước, đồng thời thiết lập kỷ lục kinh doanh LPG với gần 2,5 triệu tấn, chiếm trên 75% thị phần LPG của cả nước.

Theo ban lãnh đạo PVN, những kỷ lục trong sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn năm 2023 là minh chứng cho sự kiên trì, làm nền tảng để PVN bước vào năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức hơn.

>>Sai phạm quy hoạch điện VII: PVN mới chỉ hoàn thành 1 trong số 12 dự án được giao

Tập đoàn có doanh thu 34 tỷ USD sắp thoái vốn khủng tại PVI

Chuyển 6 'ông lớn' có doanh thu hàng triệu tỷ từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về Bộ Công Thương

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-thu-nam-2023-cua-petrovietnam-pvn-cao-ky-luc-218437.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh thu năm 2023 của Petrovietnam (PVN) cao kỷ lục
    POWERED BY ONECMS & INTECH