Những doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo trên sàn chứng khoán đều đang kinh doanh có lãi.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện VIII thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đối với chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo để phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 – 71,5%.
Trên sàn chứng khoán Việt Nam có không ít những doanh nghiệp hiện đang đầu tư, sản xuất điện, trong đó có năng lượng tái tạo như Điện Gia Lai (GEG), Cơ điện lạnh (REE), Bamboo Capital (BCG), Tập đoàn Sao Mai (ASG), Tư vấn xây dựng điện 2 (TV2), Xây lắp điện 1 (PC1), Hà Đô (HDG), Trường Thành (TTA)…
Ngoài ra, những doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo chưa đưc cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán cũng rất nhiều, như Trung Nam, như Tập đoàn Xuân Thiện, như BIM Group…
Cùng tìm hiểu xem những doanh nghiệp điện tái tạo trên sàn đang kinh doanh ra sao.
Điện Gia Lai: Tập trung vào thủy điện, điện mặt trời, điện áp mái và điện gió
CTCP Điện Gia Lai (mã chứng khoán GEG) tiền thân là Công ty Thủy điện Gia Lai – Kon Tum, thành lập năm 1989. Nhà máy thủy điện đầu tiên của công ty là Thủy điện La Đrăng 2 với công suất 1,2MW. Năm 2018 Nhà máy điện mặt trời Phong Điền (Huế) và Krong Pa (Gia Lai) trở thành những nhà máy điện mặt trời 35 MW đầu tiên tại Việt Nam.
Năm 2019 đánh dấu bước ngoặt mới khi Điện Gia Lai đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE với 3 mảng sản xuất kinh doanh chính là Thủy điện, điện mặt trời và điện áp mái. Năm 2021 công ty có thêm dự án điện gió.
Nói về Nhà máy điện mặt trời, nếu nói nhà máy đầu tiên khởi công xây dựng phải kể đến Nhà máy quang điện Thiên Tân với công suất 19,2 MW tại Quảng Ngãi. Còn Nhà máy điện mặt trời Phong Điền của Điện Gia Lai được khánh thành tháng 10/2018 là nhà máy điện mặt trời công suất 35 MW đầu tiên khánh thành tại Việt Nam.
Về tình hình kinh doanh, những năm gần đây doanh thu và lợi nhuận của Điện Gia Lai gia tăng nhanh chóng, từ mức dưới 600 tỷ đồng năm 2018 đã vượt 1.100 tỷ đồng năm 2019 khi nhà máy điện mặt trời Phong Điền đi vào hoạt động. Năm 2022 vừa qua Điện Gia Lai đạt mức kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận với doanh thu xấp xỉ 2.100 tỷ đồng và lãi sau thuế 371 tỷ đồng.
Tập đoàn PC1 hiện đang đầu tư 3 dự án điện gió
Tập đoàn PC1 được thành lập năm 1963 với nhiệm vụ trọng tâm là xây lắp các công trình truyền tải điện Quốc gia. Năm 2005 công ty mới tiến hành cổ phần hóa, và đến 2012 cổ đông Nhà nước mới chính thức thoái sạch vốn. Năm 2016 công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán. PC1 được biết đến trước đó là tổng thầu xây lắp điện, tuy vậy theo đà phát triển và theo xu hướng thị trường, Công ty đầu tư vào năng lượng và năm 2016 đã phát điện 2 nhà máy thủy điện đầu tiên trong chiến lược đầu tư năng lượng.
Năm 2019 Tập đoàn chuẩn bị nguồn lực để khởi công 3 nhà máy điện gió vào quý 2/2020. Cùng với đó PC1 tiếp tục phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại các khu vực có lợi thế. Hiện tại Tập đoàn đang đầu tư 3 dự án điện gió là Dự án điện gió Liên Lập, Dự án điện gió Phong Huy, dự án điện gió Nguyên Phong cùng công suất 48 MW tại Quảng Trị. Mục tiêu công suất phát điện đạt 744 MW vào năm 2025.
Hiện tại doanh thu của PC1 đang tập trung lớn nhất ở mảng xây lắp, chiếm 78% tổng doanh thu. Mảng năng lượng cũng đang mang về 1.800 tỷ đồng doanh thu, chiếm khoảng 21% tổng doanh thu. Tuy vậy mảng năng lượng lại là mảng kinh doanh mang về xấp xỉ 60% lợi nhuận gộp cho công ty cho thấy mảng năng lượng đang dần chiếm thế thượng phong, việc đầu tư vào năng lượng của PC1 đang đi đúng hướng.
Tập đoàn Sao Mai: Nguồn thu từ điện năng lượng mặt trời chưa đến 5% tổng doanh thu
Tập đoàn sao Mai tiền thân là CTCP Đầu tư & Xây dựng tỉnh An Giang, thành lập năm 1997. Hoạt động chủ yếu ban đầu là thi công các công trình xây lắp, tuy vậy công ty đã dần lấn sân sang lĩnh vực năng lượng.
Doanh thu từ lĩnh vực điện năng lượng mặt trời phần lớn bắt đầu từ năm 2019 với gần 227 tỷ đồng, lên gấp đôi vào năm 2020. Tuy vậy mảng năng lượng vẫn chưa là mảng kinh doanh chủ đạo. Tổng doanh thu năm 2022 đạt trên 13.800 tỷ đồng thì thu từ điện năng lượng mặt trời chỉ chiếm chưa đến 5%, đạt 609 tỷ đồng.
Bamboo Capital: Doanh thu từ mảng năng lượng tái tạo năm 2022 đạt nghìn tỷ đồng
Tại Báo cáo thường niên năm 2022, Bamboo Capital mở đầu bằng giới thiệu tầm nhìn tương lai với thông điệp: Bamboo Capital định hướng trở thành Tập đoàn về năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam bên cạnh những mảng bất động sản và dịch vụ tài chính.
Năm 2022 doanh thu công ty đạt 4.531 tỷ đồng, tăng trưởng 75% so với năm 2021 trong đó doanh thu từ mảng năng lượng tái tạo đóng góp 23,5%, tương ứng hơn nghìn tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Bamboo Capital cho biết kể từ khi tái cơ cấu và hợp nhất các danh mục đầu tư, tập trung vào những nhóm ngành nghề chính như năng lượng tái tạo, bất động sản, dịch vụ tài chính… BCG đã dần giảm sự phụ thuộc vào doanh thu xây dựng, khai thác hạ tầng.
Trong số các doanh nghiệp trên sàn, Bamboo Capital hiện có quy mô lớn nhất và chiếm 2,2% thị phần điện gió, điện mặt trời năm 2022 theo báo cáo của VnDirect.
Cơ điện lạnh REE bắt đầu đầu tư vào năng lượng từ năm 2010
Từ một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm điện lạnh, mà chủ đạo là điều hòa không khí, năm 2010 Cơ điện lạnh REE bắt đầu mở rộng đầu tư vào mảng năng lượng nhưng mãi đến năm 2019 mới bắt đầu tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Doanh thu năm 2022 đạt 9.372 tỷ đồng thì riêng doanh thu từ hạ tầng điện đạt 5.364 tỷ đồng, tăng trưởng 81% so với năm 2021 trong khi mảng cơ điện lạnh lại giảm sút.
Báo cáo ghi nhận tổng công suất vận hành điện gió của công ty năm 2022 đạt 87 MW, điện năng sản xuất đạt 237 triệu kWh. Mảng điện mặt trời đạt công suất 143 MW và sản lượng sản xuất đạt 170 triệu kWh.
Trung Nam, Xuân Thiện và Bamboo Capital dẫn đầu thị phần điện gió, điện mặt trời
Các doanh nghiệp đang ngày càng tập trung nguồn lực cho mảng năng lượng tái tạo càng cho thấy tầm quan trọng của điện này trong tương lai.
Ngoài những doanh nghiệp kể trên, vẫn còn những doanh nghiệp khác trên sàn có đầu tư vào mảng năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo như khác như Hà Đô, Gelex…
Xét về thị phần, thống kê của VnDiretc cho thấy Trung Nam đang dẫn đầu thị phần năng lượng tái tạo, chiếm đến 7% thị phần điện gió, điện mặt trời. Đứng thứ 2 là Tập đoàn Xuân Thiện chỉ chiếm khoảng 5,3% thị phần.
Trong nhóm các doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán, Bamboo Capital có lợi thế nhất với thị phần đạt 2,2%, thuộc TOP 3 doanh nghiệp có thị phần điện gió, điện mặt trời lớn nhất ngành.
Về sản lượng, báo cáo của VnDirect cho thấy năm 2022 vừa qua sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạp đã tăng 10% so với cùng kỳ và chiếm 13% tỷ trọng sản lượng điện toàn ngành.
VnDirect cũng dự báo sản lượng điện lĩnh vực năng lượng tái tạo năm 2023 sẽ tăng khoảng 31% so với cùng kỳ - mức tăng trưởng lớn nhất trong các nhóm ngành điện, và chiếm khoảng 16% thị phần toàn ngành.
Phó Thủ tướng: Sửa quy hoạch để nâng công suất điện mặt trời mái nhà
Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch