Phiên tăng trần gần nhất của cổ phiếu ABS (Nông nghiệp Bình Thuận) đã diễn ra cách đây gần 2 tháng.
ABS về đích lợi nhuận chỉ sau nửa năm
CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận - Bitagco (Mã ABS - HOSE) công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu gần 568 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 500 tỷ); lợi nhuận gộp đạt 31,7 tỷ đồng. Nhờ ghi nhận khoản thu tài chính đột biến 63,1 tỷ (gấp 73 lần YoY) nên lãi thuần hoạt động kinh doanh tăng gấp 6 lần lên mức 66,2 tỷ.
Trong kỳ, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 5,5 lần lên mức 13,3 tỷ. Sau cùng, ABS báo lãi sau thuế 52,3 tỷ đồng - gấp 6,2 lần quý 2 năm ngoái đồng thời là mức lãi cao nhất 6 quý trở lại đây.
Bán niên 2023, công ty mẹ ABS báo doanh thu giảm gần 20% YoY còn 634 tỷ. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế tăng 425% lên mức 62,7 tỷ; lãi chưa phân phối ở mức 85,8 tỷ đồng.
Được biết tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, ABS đặt mục tiêu doanh thu 1.300 tỷ đồng - thấp hơn 19% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế tăng 84% lên 64 tỷ. Như vậy dù chưa thực hiện được 50% kế hoạch doanh thu (1.300 tỷ đồng) song công ty đã gần chạm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đề ra (mức 64 tỷ).
Bitagco cho biết lý do lãi lớn đến từ việc chuyển nhượng số cổ phiếu đã đầu tư trước đó.
Đến cuối quý 2, giá trị các khoản chứng khoán kinh doanh của ABS giảm còn 120 tỷ đồng so với mức 340 tỷ hồi đầu năm (đây là khoản đầu tư 12 triệu cổ phần của CTCP Bất động sản Khải Minh Land).
ABS còn rất nhiều vấn đề...
Bitagco được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất nông nghiệp. Ngoài 2 mảng truyền thống là vật tư nông nghiệp và xăng dầu, ABS cũng đồng thời phát triển 2 mảng bất động sản và logistic (kho vận). Tại ĐHCĐ vừa qua, công ty đã thông qua kế hoạch bổ sung ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, gia công, sửa chữa và bán buôn kim loại.
Về phương án phân phối lợi nhuận, ABS thông báo giữ lại toàn bộ 63 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2022 để bổ sung vốn kinh doanh và phát triển thương hiệu.
Doanh nghiệp này cũng mới thông báo gia hạn trả cổ tức bằng tiền năm 2021 lần 4 (tỷ lệ 5%) sang ngày 31/8/2023 thay vì ngày 31/5 do tại thời điểm chia trả không đủ số tiền 33 dự kiến chia cổ tức.
Tại Đại hội, cổ đông hỏi "Việc chia cổ tức năm 2021 khi nào thực hiện và có gia hạn nữa không? Việc thoái vốn Công ty VCD Riverbank giúp ABS thu về gần 100 tỷ đồng chưa thuế. Vậy tại sao kế hoạch lợi nhuận 2023 chỉ xây dựng ở mức 86 tỷ đồng?".
Phúc đáp, lãnh đạo Nông nghiệp Bình Thuận cho hay, việc chi cổ tức năm 2021 chúng tôi rất xin lỗi các cổ đông vì đã trễ hạn do các khách hàng chưa thu xếp được tài chính để trả nợ cho công ty. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cân đối mọi nguồn lực để thanh toán tiền cổ tức cho các cổ đông chậm nhất là ngày 31/8 tới theo danh sách chốt ngày 12/10/2022.
Việc năm 2023 công ty xây dựng kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 86 tỷ đồng là một kế hoạch rất khiêm tốn bởi hiện mảng kinh doanh xăng dầu và phân bón vẫn đang chịu sự điều tiết giá của Nhà nước; việc kinh doanh của công ty cũng còn nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường chung.
Cuộc vui có được là mấy chốc?
Trên thị trường, cổ phiếu ABS kết phiên 20/7 tăng trần lên mức 7.590 đồng/cp và tăng 36% từ đầu năm. Đà tăng giá thực tế chỉ bắt đầu khi dòng tiền tạo lập xuất hiện từ cuối tháng 5 kéo theo biến động lớn về thanh khoản.
Cần nhấn mạnh rằng ABS hiện đang trong diện kiểm soát trên HOSE do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 đồng thời đã bị HOSE cắt margin.
Viễn cảnh của cổ phiếu PRT đang dần hiện hữu ở cổ phiếu Nông nghiệp Bình Thuận khi khoản lợi nhuận từ doanh thu tài chính/lợi nhuận khác không còn được duy trì trong các kỳ công bố kết quả kinh doanh tiếp theo.
Cần chú ý, với lượng freefloat lớn (chỉ có 1 cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Trần Văn Mười nắm 19,8% vốn), Nông nghiệp Bình Thuận mang dáng dấp của một cổ phiếu đầu cơ khi đang ghi nhận gần 9.300 cổ đông tham gia sở hữu vốn.
Lên HOSE từ ngày 18/3/2020 với giá đóng cửa phiên đầu là 9.580 đồng/cp, cổ phiếu ABS xác lập chuỗi 16 phiên tăng trần liên tiếp kéo thị giá lên mức 26.030 đồng trước khi tạo mô hình cây thông và rơi về giá cũ chỉ 2 tháng sau đó.
Giai đoạn cuối tháng 11/2020, ABS tiếp tục được dòng tiền tạo lập kéo mạnh từ mức 10.450 đồng lên đỉnh 70.070 đồng/cp (cuối tháng 4/2021) - tương ứng tăng 570% sau 5 tháng bất chấp thanh khoản giảm mạnh. Mô hình cây thông nhanh chóng xuất hiện sau nhịp giảm sàn sau đó và giá cổ phiếu ABS giảm 60% chỉ trong chưa đầy 1 tháng.
Xem thêm: Tín hiệu cổ phiếu VIX, NVL, STB, HPG, DIG: Mua bán thế nào khi thị trường điều chỉnh?
Hyundai Palisade gặp vấn đề về phanh, hãng xe Hàn Quốc có thể sẽ phải hầu tòa
Doanh thu của Dệt may Thành Công (TCM) ước đạt 43,3 triệu USD trong quý III/2024