Độc đáo làng cổ Việt Nam đẹp như mơ với 17 ngôi nhà đất nép mình dưới chân núi, nằm ở nơi 'một con gà gáy, hai tỉnh cùng nghe'
Gần đây, làng cổ trở thành điểm đến mới nổi trên bản đồ du lịch vùng Đông Bắc, thu hút du khách đến trải nghiệm và khám phá.
Làng cổ Bắc Hoa yên bình dưới chân núi
Nằm cách thành phố Bắc Giang hơn một giờ di chuyển bằng xe máy, làng cổ Bắc Hoa (xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn) nép mình dưới chân núi, tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn. Với vị trí địa lý đặc biệt, nơi đây được ví von là “một con gà gáy, hai tỉnh cùng nghe".
Làng cổ Bắc Hoa, nơi sinh sống của hơn 160 hộ dân tộc Nùng, đã trở thành điểm đến mới nổi trên bản đồ du lịch Bắc Giang, thu hút du khách đến trải nghiệm và khám phá.
Khung cảnh mộc mạc, bình yên là điểm nhấn của Bắc Hoa. Dọc theo con đường chính dẫn vào làng, 17 ngôi nhà trình tường cổ kính hiện ra, tạo ấn tượng mạnh mẽ. Những ngôi nhà này được xây dựng theo cấu trúc 3 gian 2 chái, mái ngói âm dương, không chỉ vững chắc trước mưa gió mà còn giúp "hè mát, đông ấm". Qua thời gian, mái ngói đã nhuốm màu cổ kính, thể hiện nét đẹp bền bỉ của ngôi làng.
Điều thú vị là các ngôi nhà không có rào chắn kiên cố, chỉ được ngăn cách bởi bụi hoa dại, bờ đá, hoặc hàng rào tre nứa. Bên cạnh đó, cảnh quan Bắc Hoa thay đổi theo mùa, mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
Mùa xuân ở Bắc Hoa rực rỡ với những cánh đồng hoa cải cúc đan xen cùng hoa mận, hoa đào nở rộ khắp các triền đồi. Khi hè về, vùng đất này chìm trong màu xanh ngút ngàn của rừng nguyên sinh, xen lẫn tiếng suối chảy róc rách. Đến mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang vàng ươm tô điểm cho bản làng thêm phần quyến rũ.
Đến làng cổ Bắc Hoa, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa Nùng qua nghề dệt khăn, nhuộm vải chàm truyền thống và thưởng thức điệu hát Soong hao.
Ngoài Bắc Hoa, nếu ghé huyện Lục Ngạn, bạn có thể kết hợp tham quan các điểm như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, suối Cặm, suối Tà Cang... hay khám phá làng nghề mỳ Chũ, làng nấu rượu men lá xã Kiên Thành và làng cây cảnh thôn Bồng 1. Đặc biệt, đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức các đặc sản như khâu nhục, bánh dày gấc, xôi trứng kiến và bánh vắt vai.
Tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa được khai thác hết
Trong chia sẻ với Báo Giao thông, ông Vi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, cho biết bản cổ Bắc Hoa đã tồn tại từ nhiều thập kỷ, nhưng do nằm dưới chân núi và giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn nên ít người biết đến. Năm 2016, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khi đó còn là Phó Chủ tịch tỉnh, đã đến thăm và nhận thấy bản có nhiều nét đặc sắc. Ông đã chỉ đạo chính quyền địa phương khuyến khích người dân bảo tồn nét văn hóa độc đáo này. Từ đó, cả chính quyền và người dân đều nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các công trình kiến trúc cổ, kết hợp giữ gìn truyền thống với phát triển du lịch.
Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cho biết, du khách đến Bắc Hoa chủ yếu là tự phát, do yêu thích vẻ đẹp truyền thống và thiên nhiên. Phần lớn du khách tự mang theo đồ ăn hoặc quay lại thị trấn Chũ và các huyện lân cận để nghỉ ngơi, do dịch vụ địa phương chưa phát triển. Chính quyền kêu gọi sự đầu tư từ doanh nghiệp, kết hợp với người dân tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thu hút du khách và phát triển kinh tế địa phương.
Lãnh đạo Phòng Văn hóa huyện Lục Ngạn cho biết, địa phương đã hoàn thành quy hoạch phát triển du lịch tại bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn và trình UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt. Đồng thời, UBND huyện cũng đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng và bảo tàng sinh thái tại bản Bắc Hoa. Các hợp tác xã du lịch trên địa bàn đã đưa Bắc Hoa trở thành điểm đến lý tưởng trong các tour du lịch sinh thái, vườn đồi, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Lục Ngạn.
"Tiềm năng du lịch Bắc Hoa vẫn còn lớn và chưa được khai thác hết. Chúng tôi tin rằng dịch vụ du lịch tại đây sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế mũi nhọn của địa phương trong thời gian tới", vị lãnh đạo chia sẻ.