Đối diện cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ khi thống nhất, một siêu cường có thể ‘kéo cả châu Âu đi xuống’
Amy Webb, Giám đốc điều hành của Future Today Institute cảnh báo: "Đức không sụp đổ trong một sớm một chiều. Điều đó làm cho viễn cảnh này càng thêm khủng khiếp. Đây là một sự suy thoái rất chậm và kéo dài, không chỉ của một công ty, một thành phố mà là của cả một quốc gia. Điều đó sẽ kéo châu Âu đi xuống".
Sau 5 năm trì trệ, nền kinh tế Đức hiện giảm hơn 5% so với mức có thể đạt được nếu xu hướng tăng trưởng trước đại dịch Covid-19 được duy trì.
Theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại là phần lớn mức suy giảm này sẽ rất khó phục hồi, do các cú sốc về cấu trúc như mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga và việc các hãng xe như Volkswagen hay Mercedes-Benz đang phải “vật lộn” để theo kịp các đối thủ Trung Quốc.
Theo đó, khả năng cạnh tranh của quốc gia đi xuống đã khiến mỗi hộ gia đình Đức thiệt hại khoảng 2.500 euro mỗi năm.
Amy Webb, Giám đốc điều hành của Future Today Institute cảnh báo: "Đức không sụp đổ trong một sớm một chiều. Điều đó làm cho viễn cảnh này càng thêm khủng khiếp. Đây là một sự suy thoái rất chậm và kéo dài, không chỉ của một công ty, một thành phố mà là của cả một quốc gia. Điều đó sẽ kéo châu Âu đi xuống".
Đức giống như đang mất dần vị thế trong lĩnh vực sản xuất đòi hỏi nhiều năng lượng, xuất khẩu giảm sút và các công ty hạn chế đầu tư trong nước.
Dần dần, Đức cũng sẽ khó thu hút nhân tài nước ngoài. Các vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến riêng Đức mà còn tạo hiệu ứng tiêu cực lan rộng khắp châu Âu.
Nhiều năm với một số “vận rủi” đã làm sụp đổ mô hình kinh tế của Đức, đúng vào thời điểm châu Âu cần sức mạnh công nghiệp của nước này để cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời ứng phó với tác động xoay quanh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Hiện tại, Đức đang đối diện với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi thống nhất.
Dự báo cho thấy ngành công nghiệp ô tô của Đức cũng sẽ mất thị phần và thúc đẩy việc chuyển sản xuất ra nước ngoài. Hay Thyssenkrupp, nhà sản xuất thép lớn nhất Đức sẽ cắt giảm 40% nhân sự ở mảng thép trong thập kỷ này, đồng thời đóng cửa hai lò cao.
Danh sách vấn đề của Đức ngày càng dài. Các vấn đề dài hạn kết hợp với biến động ngắn hạn làm cho suy thoái kinh tế trở thành mối đe dọa thường trực đối với nước này.
Để hồi sinh tính cạnh tranh, Đức cần đầu tư mạnh tay hơn. Nước này cần tăng đầu tư hàng năm vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công thêm 1/3, lên khoảng 160 tỷ euro, tương đương hơn 1% GDP.
Tuy nhiên, khu vực tư nhân đang dè dặt trong đầu tư. Chi tiêu cho máy móc hiện thấp hơn 9% so với trước đại dịch. Một khảo sát gần đây cho thấy gần một nửa số doanh nghiệp gia đình không có kế hoạch thay thế thiết bị bị hỏng, với lý do là bộ máy hành chính cồng kềnh và chính sách khó lường.
“Cho đến nay, chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy sự tái định hình đang diễn ra”, Stefan Koopman, Chiến lược gia kinh tế vĩ mô tại Rabobank nhận định sau khi các số liệu sản xuất công nghiệp của Đức giảm mạnh.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều u ám. Đức hiện có tỷ lệ nợ công thấp nhất trong số các nước G7. Ngoài ra, một số nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế nước này vẫn có thể hồi phục nhẹ trong ngắn hạn.
Đức cũng có các công ty nhỏ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực của họ. Đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa để những doanh nghiệp này tiếp tục giữ vững vị trí trong tương lai.
Dẫu vậy, Giám đốc điều hành Miguel Lopez cho biết: “Sự ổn định trong nhiều thập kỷ của hệ thống kinh tế Đức đang dần sụp đổ. Không thể nghi ngờ gì nữa, chúng ta cần hành động ngay lập tức”.
Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức dự kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm nay sẽ giảm 0,1% theo giá trị thực và phục hồi nhẹ ở mức 0,4% trong năm tới. Tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ ở mức 2,2% trong năm nay và 2,1% trong năm 2025.