Đời trắc trở, lận đận của nam danh ca huyền thoại Việt Nam: U90 vẫn phong độ dù qua 4 đời vợ, 14 người con, từng kết hôn với em gái ruột của vợ cả
Ông là một trong 4 giọng ca bolero đời đầu nổi tiếng nhất, từng được xếp vào hàng “tứ trụ” nhạc Vàng, cùng với Duy Khánh, Nhật Trường và Hùng Cường.
Chế Linh sinh năm 1942, nổi danh với những ca khúc nhạc vàng. Dù đã bước qua tuổi 80, giọng hát đặc biệt của ông vẫn tiếp tục làm say đắm trái tim của hàng triệu người hâm mộ. Những ca khúc nổi tiếng của ông như "Mùa xuân của mẹ," "Hoa trinh nữ," "Đoạn buồn cho tôi," và "10 năm tình cũ" không chỉ là những bản nhạc, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Những ca từ sâu lắng được biểu diễn bằng chất giọng đặc biệt của Chế Linh đã biến những bản nhạc này thành những tuyệt phẩm vĩ đại, trường tồn với thời gian.
Bỏ học vào Sài Gòn từ năm 17 tuổi chỉ với một chồng bánh tráng và một bộ đồ
Chế Linh tên thật là Jamlen (Trà-len), tên Việt là Lưu Văn Liên, sinh ngày 3 tháng 4 năm 1942 tại Paley Hamu Tanran, gần Phan Rang (nay thuộc làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Ông là người gốc Chăm, sinh ra trong gia đình khó khăn. Cha mất sớm khi ông mới 4 tuổi nhưng Chế Linh may mắn được học đầy đủ, tử tế. Khi học bậc tiểu học chương trình Pháp ở trường làng, Chế Linh đã được các linh mục Pháp trong trường hướng dẫn về căn bản nhạc lý. Sau đó, ông theo học tiếp bậc trung học tại trường Bồ Đề Phan Rang.
Tháng 8 năm 1959, Chế Linh bỏ học, quyết định vào Sài Gòn một mình. Ông làm việc cho một ông chủ người Việt gốc Hoa rất tốt bụng – người này đã giúp đỡ Chế Linh đi học và trả lương rất hậu hĩnh cho Chế Linh giúp việc trong nhà như nấu ăn và coi con cho ông ta.
Chế Linh kể lại về thời gian đó: “Gia đình tôi nghèo lắm. Tôi nghĩ nếu cứ bám quê, sẽ không học hỏi được gì ngoài ruộng rẫy. Tôi leo lên xe lửa chỉ với một chồng bánh tráng, một bộ đồ và không có một người quen nào cả. Nhưng tôi nghĩ, ở đâu cũng là con người, rồi sẽ có tình thương. Lúc đó, tôi thậm chí còn chưa nói rõ tiếng Kinh, nên việc đầu tiên là lo kiếm tiền để sống, chứ chưa nghĩ đến việc học nhạc.”
Tuy là được nhà chủ cho học hành tử tế, nhưng việc làm thuê như vậy không phải là lý tưởng ban đầu của Chế Linh khi rời quê lên thành thị, vì công việc này không thể giúp ông tiến thân, và cũng không liên quan gì đến âm nhạc, thứ mà ông đam mê. Vì thế, ông quyết định chuyển ra ngoại thành sống, vừa học nhạc, vừa học chữ, đợi đến khi cảm thấy ổn định, ông mới vào lại nội thành.
Hành trình theo đuổi đam mê âm nhạc của chàng trai trẻ không biết chữ
Năm 1962, đoàn văn nghệ Biệt Chính Biên Hòa tổ chức cuộc thi tuyển ca sĩ theo đoàn đi hát trong các miệt làng xa tại Biên Hòa. Gặp được cơ hội, Chế Linh đã đăng ký tham gia và xuất sắc giành được giải Nhất, trở thành ca sĩ đi hát theo đoàn cùng với Châu Kỳ, Trúc Phương. Việc đi hát trong đoàn đã giúp Chế Linh thu về được kha khá tiền, đủ để tự nuôi sống mình mà không cần đến sự giúp đỡ của ai.
Cái tên Chế Linh được ông sử dụng như một cách để khán giả nhớ tới xuất thân của ông là người Chăm. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ nếu dùng tên thật, sẽ không có ai biết được xuất thân thật sự của mình. Chữ “Chế” đã khẳng định rõ ràng gốc rễ của tôi là người Chăm. Tôi nghĩ nếu tôi đi hát thành công, tình thương mến của khán giả dành cho mình sẽ trở thành tình thương mến dành cho người Chăm nói chung. ”
Tuy nhiên, hai năm sau, đoàn văn nghệ tan rã. Chế Linh chuyển sang công việc làm tài xế đá tại núi Bửu Long ở Biên Hòa cùng với nhạc sĩ Bằng Giang. Trong thời gian làm việc đó, vừa hát, vừa sáng tác nhạc, đam mê âm nhạc đã nảy nở trong lòng Chế Linh. Nhạc sĩ Bằng Giang đã khuyên ông nên theo đuổi sự nghiệp ca hát, và họ cùng sáng tác nhiều bài hát nổi tiếng như "Bài ca kỷ niệm," "Đêm buồn tỉnh lẻ," và "Đoạn tái bút." Sau khoảng một năm, Châu Kỳ và Trúc Phương tìm thấy ông và khuyên ông trở về Sài Gòn. Hai nhạc sĩ quyết định viết nhạc về lính riêng cho Chế Linh, không hướng đặc biệt vào một binh chủng nào và lời ca dễ hiểu. Thời điểm đó, Chế Linh trở thành một hiện tượng ở Sài Gòn với giọng ca gần gũi.
Năm 1964, Chế Linh hợp tác với hãng dĩa Continental cho ra đời đĩa than đầu tay Vùng biển trời và màu áo em và sau đó ký hợp đồng với hãng dĩa hát Việt Nam. Vào những năm cuối của thập niên 1960, đầu những năm thập niên 1970, đánh dấu thời kỳ hoàng kim của giọng ca vàng Chế Linh. Cho đến nay, giọng ca mùi mẫn của Chế Linh vẫn còn khiến nhiều khán giả dòng nhạc Vàng ngây ngất và không thể thay thế.
Đời tư đào hoa trắc trở với 4 đời vợ và 14 người con
Không chỉ gây ấn tượng với công chúng bởi giọng ca và tài năng âm nhạc của mình, chuyện tình cảm đời tư của Chế Linh cũng tốn không ít giấy mực của báo giới. Chia sẻ về chuyện đời tư, Chế Linh nói rằng: “Trong đời, tôi có 4 người vợ, 14 người con, 7 trai và 7 gái. Những người vợ đã qua rồi thì vẫn liên lạc bình thường, sinh hoạt bình thường, tôn trọng nhau như ngày nào. Các con của tôi vẫn thương mến tôi, vẫn tha thiết gần gũi tôi. Niềm hạnh phúc đó khiến tôi rất mãn nguyện.”
Năm 21 tuổi, Chế Linh lấy người vợ đầu tiên. Họ có với nhau 5 đứa con sau 4 năm chung sống.
Khi đứa con thứ 5 vừa biết đi chập chững thì Chế Linh ly dị người vợ đầu để cưới người vợ thứ hai là em gái của vợ trước. Chế Linh sống với người vợ thứ hai này được 4 năm và sinh tiếp 4 đứa con.
Khi sáng tác ca khúc nổi tiếng Mai Lỡ Mình Xa Nhau, Chế Linh đã lấy bút danh Lưu Trần Lê, trong đó Lưu là họ trong tiếng Việt của ông, còn Lê là họ của người vợ đầu, Trần là họ của người vợ 2 (là chị em ruột nhưng 1 người mang họ cha, 1 người mang họ mẹ).
Sau khi chia tay người vợ thứ hai vào năm 1971, chỉ một năm sau đó, Chế Linh cưới người vợ thứ ba là Thúy Hằng mới 17 tuổi. Mặc dù bị gia đình cấm cản, Thúy Hằng vẫn về chung sống với Chế Linh và có với ông 2 người con. Nhưng sau 3 năm cưới nhau thì Thúy Hằng mất.
Cuối năm 1975, Chế Linh cưới người vợ thứ tư có thêm 3 đứa con. Người vợ này là Vương Nga và vẫn gắn bó với ông cho đến ngày nay. Mặc dù hai người cách biệt về tuổi tác, nhưng hai người vẫn sống với nhau rất tình cảm. Bà Vương Nga không chỉ là một người vợ giỏi việc nhà mà còn là tri kỷ với chồng trong âm nhạc. Bà luôn thuộc lòng những ca khúc mà chồng biểu diễn, và luôn góp ý để Chế Linh có thể chỉnh sửa.
Ở tuổi xế chiều, Chế Linh vẫn cưng chiều vợ hết mực. Nam danh ca nói vui mình lớn tuổi rồi, chẳng biết sẽ vấp ngã lúc nào, còn bà xã ở nhà cũng chẳng làm gì vì các con lớn cả, vì thế hai vợ chồng đi đâu cũng có nhau. Ông tiết lộ vợ cũng là người “tay hòm chìa khóa”, giúp ông quản lý tài chính và vun vén cuộc sống chung. Chế Linh tâm sự ông biết ơn vì bà xã đã dành trọn tình yêu và hy sinh cho chồng.
Hiện tại, Chế Linh thỉnh thoảng về Việt Nam để hát và vẫn nhận được sự đón nhận của đông đảo khán giả. Chế Linh bảo vẫn giữ luyện giọng mỗi ngày.
"Khi mình còn khán giả thì hàng ngày phải tập luyện, dù có đi hát hay không vẫn tập bình thường ngày hai bữa giống như chuyện ăn cơm vậy. Mệt tôi cũng tập, có khi vài chục phút, có khi vài tiếng. Tập khó nhất là vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy uống cà phê phải tập rồi muốn đi đâu thì đi, đó là thông lệ rồi", nam danh ca nói.