Vĩ mô

Đón đầu làn sóng du lịch di sản

Nguyệt Linh 11/08/2023 - 12:39

Phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, du lịch di sản đã và đang đóng góp vào đời sống thịnh vượng của các cộng đồng, địa phương, trở thành yếu tố quan trọng tạo ra nguồn lực nội sinh cho đất nước. Để bàn luận kỹ hơn về chủ đề này, Tạp chí Ngày Nay có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Nguyên Khang, chuyên gia về lĩnh vực sức mạnh mềm trong quan hệ quốc tế.

Đón đầu làn sóng du lịch di sản ảnh 1

Thưa TS. Trần Nguyên Khang, trong những năm gần đây, du lịch di sản đang là một trong những dòng sản phẩm hấp dẫn, thu hút và ghi dấu ấn trong lòng du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Là người có thời gian quan sát và nghiên cứu, quan điểm của anh về du lịch di sản là gì?

- Hiểu một cách đơn giản, du lịch di sản là đưa các di sản vật thể và phi vật thể của một quốc gia vào các hoạt động du lịch, từ đó tạo ra sức hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế .

Đón đầu làn sóng du lịch di sản ảnh 2
TS. Trần Nguyên Khang

Có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia có thể phát triển mạnh mẽ theo định hướng du lịch di sản vì chúng ta có rất nhiều và đa dạng những di sản về thiên nhiên, văn hóa. Có thể kể ra những di sản tiêu biểu như: Quần thể di tích cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, Thánh địa Mỹ Sơn, Quần thể danh thắng Tràng An… Bên cạnh đó là vô số những di sản tinh thần như các thực hành, nghi lễ, nghệ thuật độc đáo đã được UNESCO ghi danh như Nghệ thuật Bài chòi; Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh… Đây là những di sản vật chất và phi vật chất đã góp mặt trong các chương trình, chiến lược du lịch của địa phương hay cấp quốc gia, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tham quan và chiêm ngưỡng.

Từ góc nhìn quan hệ quốc tế, liệu có thể cho rằng du lịch di sản là lĩnh vực tiềm năng giúp Việt Nam tạo ra hiệu ứng tích cực trước bạn bè quốc tế?

- Chắc chắn rồi. Du lịch di sản là lĩnh vực cực kỳ tiềm năng với Việt Nam khi nước ta sở hữu rất rất nhiều di sản quý đã được UNESCO ghi danh và cộng đồng quốc tế biết đến. Di sản có thể nói là một trong những nét đặc trưng và thế mạnh mà Việt Nam sở hữu để có thể tạo ra những dấu ấn trong thị trường du lịch toàn cầu, vốn đang có rất nhiều sự cạnh tranh. Có thể thấy xu hướng chủ đạo của các sản phẩm du lịch mà du khách từ khắp nơi trên thế giới đang muốn tìm kiếm là những nét đặc trưng văn hóa hay thiên nhiên mang tính bản địa độc đáo của các địa phương hay vùng miền. Xu hướng này khiến mỗi quốc gia cần nhận thức, gìn giữ và phát huy vai trò và tầm quan trọng của các di sản như yếu tố đặc sắc, tạo dấu ấn thu hút trong thị trường du lịch toàn cầu.

Vậy còn bài toán về việc tạo ra sức mạnh mềm của quốc gia từ di sản và du lịch di sản?

- Sức mạnh mềm là khái niệm được giới thiệu đầu tiên bởi giáo sư Joseph Nye của Đại học Harvard. Giáo sư Nye cho rằng trong quan hệ quốc tế, một quốc gia có thể sử dụng những thế mạnh của mình để tạo ra các ảnh hưởng nhất định. Ông đưa ra một số phân định như ngoài việc sử dụng sức mạnh cứng là vũ lực quân sự để ép buộc, thì các quốc gia cũng có thể tận dụng những thế mạnh về văn hóa để tạo ra sức thu hút trong cộng đồng quốc tế, hay còn gọi là sức mạnh mềm. Để tạo ra sức mạnh mềm từ di sản, ngoài yếu tố đặc sắc riêng mang yếu tố bản địa, thì các di sản phải có những giá trị mang tính phổ quát, nhằm tạo ra những giá trị chia sẻ chung cho văn hóa nhân loại.

Đón đầu làn sóng du lịch di sản ảnh 3

Chúng ta thấy di sản Việt Nam có rất nhiều giá trị tương khớp với những giá trị chung của quốc tế như là nét đẹp về thiên nhiên, sự đa dạng văn hóa, con người, sự thân thiện, hiếu khách, cởi mở. Vậy câu chuyện còn lại là làm sao chúng ta có thể quảng bá, tìm được cách thức hấp dẫn để giới thiệu di sản của mình đến với bè bạn năm châu.

Tuy nhiên, khi bàn về yếu tố di sản trong du lịch, chúng ta cần có sự cẩn trọng bởi sự chi phối từ những yếu tố lợi nhuận thương mại. Du lịch về di sản cần chú trọng xem xét đến vấn đề phát triển du lịch mang tính bền vững. Khi các di sản thiên nhiên và văn hóa được bảo tồn và phát huy đúng cách, chúng sẽ trở thành những giá trị nội sinh cho việc phát huy thành sức thu hút, hay sức mạnh mềm của đất nước, cụ thể trong lĩnh vực du lịch. Cần nói thêm rằng ngày nay sẽ càng có nhiều du khách hay khách hàng thông minh tới du lịch tại Việt Nam. “Thông minh” ở đây được hiểu như những du khách có kiến thức và hiểu biết, những người hoàn toàn có thể đánh giá được việc sử dụng di sản trong du lịch đang được khai thác tốt hay không, được bảo tồn và vận hành như thế nào, di sản có trở thành nguồn lực giúp cho cộng đồng sở hữu trở nên thịnh vượng hay không, các thực hành liên quan đến di sản có được khuyến khích, phát triển được hay không. Những vấn đề quan tâm này thường thấy trong những du khách “có trách nhiệm” và họ sẽ đưa những đánh giá sâu sắc về những địa điểm du lịch có yếu tố di sản. Điều này đưa đến việc những người làm du lịch di sản phải hiểu rõ là các sản phẩm du lịch di sản không chỉ dừng ở việc khai thác, quảng bá mà còn cần được bảo tồn và tạo ra những giá trị đích thực. Chính những du khách khi tham gia vào các sản phẩm du lịch di sản sẽ là những người đánh giá công tâm và cũng sẽ là những người quảng bá các sản phẩm này chân thật, tự nhiên nhất, đặc biệt qua với những kênh truyền thông internet ngày nay như Facebook, Youtube, Instagram...

Đón đầu làn sóng du lịch di sản ảnh 4

Anh nhắc đến sự chi phối của kinh tế, điều này khiến tôi không thể nào không liên tưởng đến mặt còn lại của vấn đề. Vậy những ảnh hưởng tiêu cực do phát triển du lịch di sản thiếu tính bền vững thì sao?

- Có khá nhiều vấn đề để nói về mặt tiêu cực. Trong đó, cách chúng ta bảo tồn di sản như thế nào? Cộng đồng đang nhận thức và quan tâm di sản ra sao? Các chiến lược đang sử dụng với di sản hiệu quả như thế nào để có thể thu hút du khách, tạo sinh kế bền vững cho người dân mà không phương hại đến di sản? Khi di sản được đưa vào du lịch, đã được quảng bá hữu hiệu hay chưa? Có rất nhiều yếu tố khiến di sản trở thành tiềm năng, mặt khác cũng có những thách thức mà nếu khai thác không hữu hiệu hoặc tràn lan, chúng ta có thể làm di sản mai một, biến mất.

Đón đầu làn sóng du lịch di sản ảnh 5

Tại Việt Nam, tuy đã có nhiều nỗ lực trong bảo tồn, khai thác di sản, nhưng trong việc sử dụng khai thác di sản vẫn còn nhiều bất cập, quan niệm về di sản chưa phù hợp, các hoạt động du lịch tại một số nơi còn mang tính tự phát… Có rất nhiều yếu tố đã và đang được chúng ta nhìn nhận và bàn luận xuyên suốt nhằm hướng đến giải pháp tốt hơn. Thách thức trong lĩnh vực này có thể coi là một bài toán khá lớn mà chúng ta cần nhìn từ nhiều đóng góp từ nhiều bên, từ các cấp quản lý quốc gia tới địa phương, các nhà chuyên gia, các cộng đồng và cả các du khách.

Quá trình Việt Nam sử dụng di sản trở thành nguồn lực nội sinh, thậm chí quyền lực mềm đang ở chặng đường khởi động. Chúng ta mới đang bắt đầu đưa di sản vào khai thác du lịch và đẩy mạnh loại hình này trong thời gian gần đây. Để có thể hạn chế thách thức và phát huy hết tiềm năng, chúng ta cần quan sát nhiều mô hình du lịch di sản trên thế giới, học hỏi và áp dụng vào bối cảnh đặc thù của Việt Nam.

Đón đầu làn sóng du lịch di sản ảnh 6

Kinh nghiệm lâu năm trong việc ứng xử với di sản của một số quốc gia thành công như Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản... cho thấy họ bảo tồn di sản rất tích cực nhưng vẫn có thể khai thác di sản nhằm phục vụ cho đời sống dân sinh và phát triển kinh tế.

Là chuyên có nhiều kết nối với chuyên gia quốc tế, anh nhận định những người bạn của mình nhìn nhận như thế nào về du lịch di sản của Việt Nam?

- Một số quan điểm nổi bật chỉ ra rằng Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia rất giàu tài nguyên di sản, đặc biệt là di sản văn hóa. Tuy nhiên chúng ta cũng có một số điểm làm chưa tốt như khả năng quản lý còn hạn chế, cách quảng bá vẫn theo lối mòn và hoạt động làm du lịch đôi không hướng đến tính bền vững. Phải làm sao để du khách đã đến một lần thì sẽ đến lần thứ hai, thứ ba. Dù đã có một số giải pháp nhưng chúng ta cần mạnh mẽ và kiên quyết hơn trong quá trình thực hiện những phương châm đề ra.

Tôi xin kể câu chuyện về thành phố Altea ở Tây Ban Nha. Đây là thành phố rất đẹp, nên thơ, cổ kính, và có khá nhiều công trình di sản kiến trúc. Chính quyền địa phương từng muốn phát triển du lịch mạnh mẽ tại thành phố để tạo ra nguồn ngân sách cũng như nâng cao đời sống của cư dân. Tuy nhiên, chính người người dân địa phương đã không đồng tình với cách làm này. Họ cho rằng một cuộc sống yên bình cần thiết với họ hơn là biến địa phương thành nơi hấp dẫn du khách mạnh mẽ. Họ đã lựa chọn không đón “cơn bão” của du lịch, của kinh doanh tràn vào thành phố và có thể làm bay màu đời sống tinh thần vốn rất đậm đà của họ. Qua câu chuyện trên, chúng ta cũng thấy rằng đã có những “cơn bão du lịch” đã quét qua khá nhiều khu di sản, danh lam thắng cảnh tại Việt Nam. Nó khiến cho khá nhiều di sản bản địa bị thay bằng lối sống tiêu thụ với những nhà hàng, khách sạn cao cấp để phục vụ du khách. Tuy tạo ra nguồn thu về kinh tế rất lớn nhưng những nơi này dường như đã bị “băm nát” và mất đi cái hồn của nó với những nét đẹp văn hóa vốn nằm trong các di sản, từng là dấu ấn làm nên bản sắc và thương hiệu thu hút du khách.

Đón đầu làn sóng du lịch di sản ảnh 7

Mặc dù vậy, chúng ta không thiếu sự tin tưởng và kỳ vọng vào tương lai?

- Hiện nay, chính phủ Việt Nam xem văn hóa là một trụ cột để phát triển đất nước bên cạnh chính trị, kinh tế, và di sản là một phần không thể thiếu trong việc tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhờ vậy, Nhà nước có những chính sách thúc đẩy về du lịch và bảo tồn di sản, đi theo hướng bền vững. Tôi hy vọng trong những giai đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục đi theo định hướng này, ngày càng đưa di sản vào sâu hơn trong các chiến lược về phát triển du lịch một cách bền vững. Đặc biệt, cần hướng về cộng đồng, lấy cộng đồng làm trung tâm, điều này sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực và đúng đắn.

TS Trần Nguyên Khang hiện là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Anh tốt nghiệp Thạc sĩ về Khoa học Chính trị tại Pháp. Đến năm 2017, anh nhận bằng tiến sĩ về Quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.

TS Trần Nguyên Khang là chuyên gia trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa và sức mạnh mềm trong quan hệ quốc tế. Năm 2022, anh là học giả Fulbright trong chương trình nghiên cứu về quyền lực mềm Hoa Kỳ thông qua ngoại giao bảo tàng tại Washington D.C.

Thanh Hóa chuẩn bị đón khu du lịch khoáng nóng gần 200ha

Du lịch Hà Nội "bỏ túi" 630 tỷ đồng trong 2 ngày diễn ra show BlackPink ở Mỹ Đình

Du lịch hồi phục, một doanh nghiệp hàng không báo doanh thu tăng 122%

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/don-dau-lan-song-du-lich-di-san-post137220.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đón đầu làn sóng du lịch di sản
POWERED BY ONECMS & INTECH