Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022

03-01-2022 16:23|Thu Thảo

Giới chuyên gia đã đưa ra những dự báo lạc quan, đồng thời đề xuất giải pháp giúp hoạt động kinh tế có thể tăng trưởng trở lại trong năm 2022.

Vững tin vào sự phục hồi kinh tế trong năm 2022, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra những dự báo lạc quan, đồng thời đề xuất giải pháp giúp hoạt động kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng có thể tăng trưởng trở lại.

Nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết, năm 2021, kinh tế trong nước diễn ra trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen và tới nay, thách thức vẫn còn rất nhiều, ảnh hưởng từ dịch bệnh vẫn chưa có hồi kết.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đã rất năng động và vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước. Điều này tạo động lực giúp một số ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng ấn tượng.

Bước sang năm 2022, nền kinh tế có cơ hội phục hồi mới từ việc hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế. "Dù vậy, để đạt được kỳ vọng, chúng ta phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, phấn đấu GDP tăng 6 - 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% GDP... trong cả năm 2022" - Tiến sĩ chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát lạm phát, hạn chế nợ xấu phát sinh, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các chính sách hỗ trợ phát triển cần chú ý tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm "sức bật" cho doanh nghiệp.

Nếu COVID-19 được kiểm soát, mục tiêu GDP 6,5% trong tầm tay

Với việc chấp nhận sống chung với COVID-19, kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại. Không chỉ thể hiện ở con số thống kê, nền kinh tế vẫn ổn định, thanh khoản hệ thống tài chính tốt, doanh nghiệp vẫn tiếp cận được với tín dụng. Cũng cần phải nhấn mạnh, việc phục hồi kinh tế cần trợ lực của cả chính sách tiền tệ và tài khóa.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Việt Nam cũng dùng chính sách tiền tệ giảm lãi suất và tạo thanh khoản, mục tiêu thanh khoản dồi dào, tăng trưởng tín dụng tốt.

Ngoài ra, cần gói cứu trợ kinh tế giúp phục hồi lại sức mua, phục hồi lại tổng cầu trong nước. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,5%, thậm chí 7,5%. Đối với chính sách tài khóa, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2022 vẫn đang được dự toán ở mức 4% GDP. Việt Nam cần có kế hoạch có thể dùng những nguồn lực ngoài ngân sách để có 1 gói hỗ trợ tăng chi cho ngành y tế, tiếp tục một số chính sách miễn, giảm thuế, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

"Nếu trường hợp dịch COVID-19 được khống chế, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 6,5% trong tầm tay" - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ.

Nhiều động lực cho tăng trưởng

2021 là năm vô cùng khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Dịch bệnh khiến tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu đề ra.

Các chuyên gia đánh giá, năm 2022, động lực tăng trưởng kinh tế sẽ là xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư công. Về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, năm 2022, đà phục hồi kinh tế của thế giới có thể bị chậm lại, tuy nhiên cùng với động lực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam đã tham gia, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 dự báo sẽ khởi sắc. Bên cạnh đó, FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.

TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: "Tuy vậy, động lực tiềm năng nhất cho tăng trưởng là đầu tư công. Việc tập trung vào những công trình trọng điểm, công trình lớn, có sự lan tỏa, công trình cơ sở hạ tầng ở những vùng kinh tế trọng điểm, sẽ tạo đà cho răng trưởng kinh tế năm 2022". 

Tháo gỡ vướng mắc để du lịch sớm phục hồi

Sau khi Chính phủ chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, ngành du lịch đã vào cuộc, nỗ lực để phục hồi. Năm 2022, chưa thể có dự báo nào chắc chắn cho sự phát triển ổn định của ngành du lịch, do dịch bệnh vẫn có những diễn biến khó lường. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, cũng như có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp cho du lịch dần được mở lại và hồi phục.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vân Hải Xanh chia sẻ, để đạt mục tiêu trên, trong năm 2022, cơ quan quản lý cần phải nhìn nhận lại quá trình phòng, chống dịch cũng như các định hướng; nhận diện các vướng mắc, rào cản từ các chính sách để có giải pháp khắc phục, hoàn thiện. Đặc biệt, quá trình triển khai và phục hồi kinh tế nói chung hay du lịch nói riêng vẫn cần đồng nhất, đồng lòng cũng như đồng quan điểm mới nhanh vượt qua thời điểm đầy sóng gió.

Kinh tế Trung Quốc đón tin xấu, khả năng phục hồi kinh tế bị nghi ngờ

Vượt Mỹ, siêu cường châu Á được dự đoán trở thành nhà vô địch kinh tế thế giới mới

60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu chủ yếu do hai quốc gia châu Á này thúc đẩy

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dong-luc-tang-truong-kinh-te-nam-2022-130916.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022
POWERED BY ONECMS & INTECH