Diễn biến tích cực tại HOSE phiên 22/9/2021 đã khiến nhà đầu tư cá nhân gia tăng quy mô mua ròng lên hơn 2,4 lần so với phiên trước với lực mua toàn thị trường đạt 1.008,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, cá nhân trong nước là bên mua ròng duy nhất tại HOSE, giao dịch đối ứng với toàn bộ các nhóm nhà đầu tư khác.
Tính riêng kênh khớp lệnh sàn HOSE, giao dịch nghiêng về chiều mua ròng với 14/18 ngành.
Sau khi liên tục giảm về giá trị mua ròng, nhà đầu tư cá nhân đã gia tăng giải ngân vào nhóm bất động sản hơn 263 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần phiên liền trước.
Có thể thấy việc nhà đầu tư bình tĩnh hơn sau ảnh hưởng tâm lý từ Evergrande đã giúp cổ phiếu nhóm bất động sản tăng trở lại. Trong phiên 22/9, các cổ phiếu được giao dịch tích cực nhất là IDC, VHM, FLC, KBC, VIC...đều ghi nhận mức tăng tích cực.
Kế tiếp, nhóm ngân hàng đảo chiều hút lực cầu trở lại với 75 tỷ đồng mua ròng. Nhóm này tiếp tục phân hóa nhưng phục hồi dần về cuối phiên với các mã tăng điểm chủ yếu thuộc các nhà băng nhỏ và vừa như: ABB, BVB, MSB...
Cùng chiều, một số ngành ghi nhận giao dịch tăng tích cực trong phiên còn có hàng & dịch vụ công nghiệp (67,7 tỷ đồng) và bảo hiểm (40,6 tỷ đồng).
Tại chiều bán, giao dịch bán ròng chỉ được ghi nhận tại 4 nhóm duy nhất, lần lượt là thực phẩm đồ uống (53 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (23,6 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng và y tế.
Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu VIC của Vingroup tiếp tục là một trong những "trụ cột" tại chiều mua khi được vào ròng trên 100 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên liền trước. Điểm tích cực là VIC đã có một phiên bật tăng nhẹ sau khi thị giá liên tục trượt dốc về vùng đáy trước đó.
Bên cạnh "ông lớn" VIC, cá nhân trong nước cũng mua ròng hai đại diện thuộc nhóm bất động sản có vốn hóa nhỏ hơn là VPH (59,9 tỷ đồng) và ITC (31,6 tỷ đồng).
Nối tiếp, lực cầu cũng tập trung chủ yếu tại một số cổ phiếu như VPB, CTG, NKG, PVT, DGC...Nhìn chung, dòng tiền vẫn có xu hướng tập trung tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi tỷ trọng giao dịch của VN30 giảm nhẹ, chiếm 36,7% giá trị giao dịch trên sàn HOSE.
Ở chiều ngược lại, MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội là cổ phiếu bị rút ròng nhiều nhất 66,7 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những cổ phiếu ngân hàng có diễn biến "kém sắc" hơn so với các cổ phiếu nhà băng nhỏ.
Kế tiếp, các cá nhân bán ròng 51,2 tỷ đồng cổ phiểu VNM của Vinamilk trong phiên mã này bật tăng về cả giá và thanh khoản. Diễn biến trái ngược, nhà đầu tư ngoại đã quay lại mua ròng cổ phiếu VNM kể từ đầu tuần.
Theo sau, một số mã bị các cá nhân xả ròng nhẹ hơn lần lượt là VND, KDH, VCI, HPG, VHC...
Vì sao cổ phiếu ngân hàng lại là ‘miếng bánh ngon’ của các quỹ đầu tư?
Một cổ phiếu ngân hàng được dự báo tăng gần 50% sau loạt động thái mới của NHNN