Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng cao hậu Covid-19 cũng như áp lực lạm phát trên toàn cầu, lãi suất huy động được dự báo sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới.
Chứng khoán BSC nhận định, tiền gửi dân cư tăng thấp kỷ lục trong năm 2021 là do lãi suất tiền gửi thấp trong khi các kênh chứng khoán, trái phiếu và bất động sản thu hút hơn với khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, xu hướng này đang có sự thay đổi khi lãi suất huy động tăng trở lại và các kênh đầu tư không còn sôi động như trước.
Trong tháng 5/2022, đã có nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động, theo đó, lãi suất cao nhất trên thị trường ghi nhận mốc cao mới. Tại SCB, ngân hàng có lãi suất cao nhất là 7,55%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên khi gửi online và không yêu cầu số tiền gửi lớn, tăng 0,2 điểm % so với trước.
Ngoài SCB, hàng loạt ngân hàng khác đã nâng lãi suất lên trên 7%/năm như NamABank, VietCapitalBank, VietABank, VietBank,…Ở nhóm ngân hàng lớn, VPBank, Sacombank, SHB cũng có lãi suất xấp xỉ 7%/năm.
Theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, trong quý I/2022, chỉ có 7 nhà băng ghi nhận sự sụt giảm tiền gửi. Trong khi đó, 21 ngân hàng còn lại đều tăng trưởng dương, VPBank tăng mạnh nhất 13,4%, tiếp theo là HDBank (9,9%), TPBank (9,3%), SCB (9,1%),…
Số liệu của NHNN cho biết, từ đầu năm đến 25/4/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 6,75%, huy động vốn tăng 3,35%. Chênh lệch đáng kể giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn sẽ khiến các ngân hàng phải tăng cường thu hút tiền gửi nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là tăng nguồn vốn giá rẻ.
Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty chứng khoán VCBS dự báo, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 100-150 bps trong cả năm 2022.