Vĩ mô

Dòng vốn FDI dịch chuyển, cơ hội chuyển giao công nghệ đang mở ra trước mắt

Khúc Văn 24/07/2024 - 21:54

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào phân khúc chất lượng cao trong sự dịch chuyển toàn cầu. Cơ hội nhận được sự chuyển giao công nghệ đang mở ra trước mắt.

Vốn FDI lấy lại đà tăng trưởng

Dòng vốn chất lượng cao chảy vào Việt Nam cho thấy xu hướng ngày càng rõ rệt, không chỉ bất động sản cao cấp, mà còn cả bán dẫn, điện tử, năng lượng… phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững mà Việt Nam đang hướng tới. Nếu nhìn lại thời điểm này năm ngoái sẽ thấy câu chuyện năm nay đã khác.

Kết thúc tháng 6/2023, nhiều người không khỏi băn khoăn khi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm nhẹ 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhưng năm nay, lượng vốn này đã lấy lại đà tăng.

Dòng vốn FDI dịch chuyển, cơ hội chuyển giao công nghệ đang mở ra trước mắt
Năm 2024 lượng vốn này đã lấy lại đà tăng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký 6 tháng đầu năm nay đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ.

Trong đó, vốn FDI đăng ký mới là hơn 9,5 tỷ USD, tăng tới gần 47%. Không chỉ dồi dào về nguồn vốn, chất lượng của dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cũng tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kĩ lưỡng khi vốn FDI thực hiện ước đạt 10,84 tỷ USD - đây là số vốn thực hiện cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua.

Đáng chú ý, dòng vốn chất lượng cao đổ vào Việt Nam tạo thành xu hướng ngày càng rõ rệt. Ví dụ nổi bật là dự án 2 toà nhà cao cấp đang được nhà đầu tư Nhật Bản là Công ty TNHH Chuo Việt Nam đầu tư với tổng số vốn 110 triệu USD. Trước đó, nhà đầu tư này cũng đã đầu tư vào TP Hải Phòng 2 toà khách sạn và căn hộ cao cấp với tổng giá trị 80 triệu USD.

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nêu quan điểm nếu nhìn vào những chuyển dịch địa chính trị, đầu tư, chuỗi cung ứng... thì thế giới đang chuyển dịch rất sâu sắc, từ kinh tế đến phi kinh tế, truyền thống đến phi truyền thống, có đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh...

Ông Vinh phân tích, đầu tiên là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn làm dịch chuyển về đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là sự dịch chuyển trên hướng đến những khu vực thuận lợi cho Việt Nam.

“Cùng với sự chuyển dịch của các luồng đầu tư, có cả câu chuyện về dịch chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất và thương mại. Do những yếu tố này đan xen với nhau nên phải tranh thủ tận dụng đồng thời cả sự chuyển dịch đầu tư và chuyển dịch thương mại”, ông Vinh nêu.

Đại sứ Vinh cũng cho rằng các nước phát triển, nhất là Mỹ và phương Tây, đang có xu hướng hướng nội nhiều hơn. Họ có những chính sách công nghiệp mới thúc đẩy dòng vốn đầu tư quay lại trong nước. Ngoài ra, nguồn tài chính cũng hạn hẹp đi do khó khăn kinh tế.

Theo đó, những tiêu chuẩn mới, hạn chế hơn sẽ được áp dụng, đi kèm với đó là xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, dựa trên xu hướng đổi mới sáng tạo. Việc thích ứng với sự chuyển đổi này cũng là điều rất đáng quan tâm.

“Chúng ta đang ở một vị thế thuận lợi, có thể tranh thủ được những luồng đầu tư từ các bên dù giữa họ đang có sự cạnh tranh chiến lược với nhau, trong đó điển hình là Mỹ và Trung Quốc”, ông Vinh nói.

Cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, để tận dụng được những luồng đầu tư này, cần lựa chọn đối tác thuận lợi nhất cho mình và hướng tới các mục tiêu nâng cao bản thân. Ngoài ra, cần phải đề phòng sự chuyển dịch ngược trong các luồng đầu tư.

“Chuyển dịch thông thường có cả chất lượng cao và thấp. Có những luồng đầu tư thông thường đến những phân khúc thấp hơn trong đó có hướng tới Việt Nam”, ông Vinh khuyến cáo.

Dòng vốn FDI dịch chuyển, cơ hội chuyển giao công nghệ đang mở ra trước mắt
Cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng.

Ông Vinh cũng nhìn nhận rằng khi cạnh tranh nước lớn gia tăng, Việt Nam có thể tranh thủ được cả hai bên, nhưng có nguy cơ có quá nhiều sản phẩm chuyển dịch sang Việt Nam, dẫn đến tình trạng sản xuất quá mức, làm thao túng thị trường các quốc gia khác. Trong thời gian gần đây, Indonesia đã phải đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc vì lo ngại những mặt hàng này tràn vào thị trường.

Tuy vậy, ông Vinh cho rằng khung chính sách và việc giải quyết vấn đề thực tế của Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn. Chính sách vĩ mô, cam kết của Chính phủ thuận lợi nhưng để giải quyết trên thực tế cũng không phải dễ. Do đó, ông Vinh cho rằng thời cơ tận dụng những cơ hội này không kéo dài.

Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam như một điểm sáng đang nổi lên, thăng hạng trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp FDI. Theo Standard Chartered, Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu tốc độ tăng trưởng 2024 với mức tăng trên 6%, trong khi các quốc gia ở khu vực châu Á là khoảng 5%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam rất ấn tượng. Trong đó, Việt Nam đã trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng cho nhiều sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất.

Ông Jose Vinals, Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered đánh giá: "Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn với các quốc gia trên thế giới, đang thu hút dòng vốn chất lượng cao không chỉ là trực tiếp mà cả gián tiếp, mua bán sáp nhập. Chúng tôi đang làm việc những đối tác chuyên sâu về đánh giá chất lượng đầu tư qua các bộ chỉ số, đánh giá cao các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam".

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng dự báo rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo, y tế, ngân hàng và bất động sản trong năm nay.

Niềm tin của các nhà đầu tư đang rất tích cực, do vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39 - 40 tỷ USD, cao hơn so với năm 2023.

>>Tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước đón hơn 40 tỷ USD vốn FDI

Khu công nghệ cao TP. HCM dồn lực đưa 19 dự án bị chậm tiến độ 'về đích' đúng hạn

Chủ tịch Quảng Nam không muốn doanh nghiệp đến bằng quà cáp, đi đêm đi ngày

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dong-von-fdi-dich-chuyen-co-hoi-chuyen-giao-cong-nghe-dang-mo-ra-truoc-mat-243028.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Dòng vốn FDI dịch chuyển, cơ hội chuyển giao công nghệ đang mở ra trước mắt
POWERED BY ONECMS & INTECH