Dragon Capital: Khối ngoại 'ồ ạt' xả ròng hơn 4 tỷ USD một phần do rào cản chưa nâng hạng thị trường chứng khoán
Chủ tịch Dragon Capital thông tin về nguyên nhân đà bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua.
Vào sáng ngày 19/7, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức diễn đàn thường niên Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”.
Cuộc họp có sự hiện diện của ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính; bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; đại diện Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, một số doanh nghiệp, thành viên thị trường, nhà đầu tư tổ chức.
Trong phần đầu tiên với chủ đề: “Tổng quan nhà đầu tư tổ chức và giải pháp phát triển nhà đầu tư tổ chức” trên thị trường chứng khoán Việt Nam, FiinGroup đã đưa ra báo cáo phân tích về tổng quan thị trường.
Đáng chú ý là về động thái bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài từ năm 2023 đến nay. Tính riêng từ đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng 2 tỷ USD. Nếu tính từ năm 2020, nhóm này bán ròng khoảng 4 tỷ USD.
Tiết lộ về lý do khối ngoại bán ròng, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết có 3 lý do chính mà nhà đầu tư nước ngoài là đối tác của FiinGroup đã đưa ra.
Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài phân bổ lại tài sản, đặc biệt là rút khỏi thị trường mới nổi do họ không kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất. Tiếp đến, nhà đầu tư nước ngoài cũng hiện thực hóa một phần lợi nhuận khi rủi ro tỷ giá ở thị trường Việt Nam khá lớn. Ngoài ra, khối ngoại cũng có tâm lý lo lắng khi thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều đặc thù, bên cạnh đó là triển vọng về sự phục hồi của bất động sản và rủi ro tỷ giá vẫn còn hiện hữu.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho biết động thái xả ròng mạnh từ khối ngoại một phần do thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nâng hạng (Nguồn: Vneconomy) |
Đáng chú ý, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho hay, 4 năm nay nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4 tỷ USD, riêng năm nay là 2 tỷ USD. Nếu như trước đây nhà đầu tư nước ngoài biết đến Việt Nam có Hà Nội, TP. HCM để du lịch và làm ăn thì gần đây họ thấy ở Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị để thu hút sự quan tâm của họ. Trong khi nhiều thị trường khác có điều đó.
Tuy nhiên, thị trường cũng có nhiều yếu tố khách quan khó tác động. Yếu tố lớn nhất là tăng lãi suất của Mỹ 2 năm nay ảnh hưởng nhiều tâm lý nhà đầu tư và chiến lược đầu tư theo thị trường chỉ số trong khi thị trường cận biên đang gặp thất bại hoàn toàn.
Đặc biệt là khi thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nâng hạng cũng tác động vào tư duy của nhà đầu tư nước ngoài. Việc thuyết phục các định chế tài chính với mong muốn đầu tư vào Việt Nam trở nên khó khăn hơn do Việt Nam không nằm trong chỉ số nên khoản đầu tư này dự kiến chỉ là ngoại lệ. Ngoài ra, biến động mạnh của nền kinh tế cũng ảnh hưởng đến quan điểm rủi ro của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC chia sẻ thêm về kế hoạch thoái vốn tại những doanh nghiệp do SCIC đang sở hữu lớn. Theo đó, ông Tuấn cho biết các nhà đầu tư tổ chức trong và nước ngoài muốn tham gia mua bán cổ phần nhà nước không dễ.
Khối ngoại đang muốn mua lại phần của Nhà nước và Nhà nước cũng muốn bán để tăng cung hàng nhưng hiện giờ thoái vốn và cổ phần hóa khó thu hút nhà đầu tư tổ chức. Nguyên nhân được cho là phải thực hiện thông qua con đường đấu giá, công bố thông tin theo quy định... những điều này không thu hút được sự tham gia nhà đầu tư tổ chức.
"Gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia các thương vụ thoái vốn của SCIC nhưng hiện giờ chúng ta phải đấu giá, chưa theo quy trình của nước ngoài, đó là trở ngại lớn của nhà đầu tư tổ chức khi tham gia thoái vốn hóa của nhà nước", ông Tuấn cho biết.
Theo thống kê của FiinGroup, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Tại thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ sở hữu nước ngoài lần lượt là 19,83% (HoSE), 10,99% (HNX) và 4,24% (UPCoM).
Mặc dù còn phụ thuộc sự hấp dẫn của cổ phiếu để thu hút nhà đầu tư tổ chức, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu được tự do chuyển nhượng (freefloat) của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính ở mức 45,5%. Do đó, cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.
Một cổ phiếu VN30 bị khối ngoại xả ròng 18 phiên liên tiếp
Khối ngoại bán ròng 7.600 tỷ đồng một cổ phiếu VN30 từ đầu năm