Láng giềng Việt Nam xây ‘công trình dưới biển’ có thể xử lý 7.000 cuộc hội thoại với DeepSeek mỗi giây, tham vọng trở thành cường quốc AI
So với các trung tâm dữ liệu truyền thống trên đất liền, cụm trung tâm này có thể tiết kiệm được 122 triệu kilowatt giờ điện, 68.000m2 đất và hơn 100.000 tấn nước ngọt mỗi năm.
South China Morning Post (SCMP) đưa tin, Trung Quốc đã xây dựng một trung tâm dữ liệu dưới biển có khả năng xử lý đồng thời 7.000 cuộc hội thoại với chatbot DeepSeek mỗi giây.
Nó được bổ sung vào cụm xử lý dữ liệu hiện có gần đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. Việc bổ sung này đã nâng tổng công suất tính toán của cụm trung tâm dữ liệu này tương đương 30.000 máy tính chơi game cao cấp hoạt động cùng lúc.
Được biết, cụm máy chủ ngầm này do công ty khởi nghiệp Shenzhen Hicloud Data Centre Technology vận hành. Nó có thể hoàn thành trong 1 giây những tác vụ mà một máy tính thông thường phải mất cả năm để xử lý. Năng lực tính toán này sẽ được ứng dụng vào việc huấn luyện mô hình AI, sản xuất game và nghiên cứu khoa học biển.
Điểm đặc biệt của hệ thống là các thiết bị được đặt trong các khoang chống nước, tận dụng nước biển làm nguồn làm mát tự nhiên. Giải pháp này không chỉ nâng cao hiệu quả tính toán mà còn tiết kiệm đất đai, nước ngọt và điện năng.

Năm 2023, CCTV từng cho biết các máy chủ tại trung tâm dữ liệu thường tạo ra lượng nhiệt lớn trong quá trình xử lý và lưu trữ, trước đây chủ yếu được làm mát bằng điều hòa không khí và các hệ thống làm lạnh khác – vốn tiêu thụ nhiều điện năng.
Theo SCMP, mỗi khoang dữ liệu có chiều dài 18m, đường kính 3,6m (tương đương module lõi của trạm vũ trụ Trung Quốc) và nặng bằng 1.000 chiếc ô tô. Mỗi khoang chứa hơn 400 máy chủ hiệu năng cao, kết nối với các đầu cuối dữ liệu thông qua trạm bờ trên đất liền gần đó.
Hệ thống này có môi trường hoạt động ổn định, không có bụi và oxy - những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị điện tử.
Siêu dự án bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2023 và dự kiến sẽ có tổng cộng 100 trung tâm dữ liệu khi hoàn thành. So với các trung tâm dữ liệu truyền thống trên đất liền, cụm trung tâm này có thể tiết kiệm được 122 triệu kilowatt giờ điện, 68.000m2 đất và hơn 100.000 tấn nước ngọt mỗi năm.
Việc lắp đặt đơn vị trung tâm dữ liệu mới diễn ra trong bối cảnh căng thẳng công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang. DeepSeek gần đây thu hút sự chú ý toàn cầu nhờ mô hình AI mạnh mẽ được phát triển với chi phí thấp hơn đáng kể so với các đối thủ.
Trung Quốc dự kiến tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng số nhằm hiện thực hóa tham vọng AI. Trong khi đó, Mỹ đã công bố dự án Stargate nhằm củng cố vị thế dẫn đầu trong công nghệ quan trọng này. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ đầu tư tới 500 tỷ USD trong bốn năm tới để xây dựng mạng lưới trung tâm dữ liệu tiên tiến, phục vụ phát triển AI. Công trình đầu tiên trong dự án đã được khởi công tại Texas.
Tham khảo SCMP
>> Vượt Mỹ, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á xây dựng trung tâm dữ liệu AI lớn nhất thế giới