Bước tiến AI của DeepSeek khiến thị trường việc làm Trung Quốc càng thêm ảm đạm?
Thanh niên Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức mới khi làn sóng tự động hóa AI ngày càng lan rộng trong thị trường lao động.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, tình trạng thất nghiệp ở thanh niên vẫn là vấn đề đáng quan ngại khi công nghệ AI ngày càng thay thế nhiều vị trí công việc truyền thống.
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 (không bao gồm sinh viên) đã ghi nhận mức giảm xuống còn 15,7% trong tháng 12, cải thiện đáng kể so với con số 18,8% của tháng 8.
Mặc dù vậy, tình trạng sinh viên mới tốt nghiệp khó khăn trong tìm kiếm việc làm vẫn tiếp diễn trong khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Vào năm 2023, chính phủ Trung Quốc đã phải điều chỉnh phương pháp thống kê tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên, loại trừ đối tượng sinh viên ra khỏi phép tính sau khi các báo cáo liên tiếp cho thấy hơn 20% thanh niên trong độ tuổi này không có việc làm.
Với dự báo có tới 12,22 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ gia nhập thị trường lao động trong năm nay, áp lực việc làm được dự đoán sẽ càng trở nên gay gắt hơn.
Đầu năm 2025, công ty khởi nghiệp DeepSeek với mô hình ngôn ngữ lớn có hiệu suất cao nhưng chi phí thấp, được đánh giá ngang tầm hoặc thậm chí vượt trội hơn ChatGPT của OpenAI ở một số khía cạnh.
Thành công này không chỉ khẳng định vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua AI toàn cầu mà còn báo hiệu xu hướng tự động hóa ngày càng mạnh mẽ trong các doanh nghiệp. Nhiều công ty tại Trung Quốc đã và đang lên kế hoạch tinh giản nhân sự khi ứng dụng AI vào các công việc mang tính lặp lại.
Giới chuyên gia nhận định thế hệ trẻ đang phải điều chỉnh kỳ vọng về cơ hội nghề nghiệp. AI không chỉ tái định hình thị trường lao động mà còn mở ra nhiều vị trí mới trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chicmax Cosmetics, tập đoàn sở hữu các thương hiệu mỹ phẩm Kans và One Leaf của Trung Quốc, vừa gây chú ý khi thông tin nội bộ về kế hoạch tái cơ cấu nhân sự bị rò rỉ. Theo đó, một số bộ phận như dịch vụ khách hàng có thể phải cắt giảm tới 95% nhân sự, chỉ giữ lại 5% nhân viên thành thạo công nghệ AI.
Thông tin từ tài khoản WeChat được cho là của ông Lu Yixiong, CEO Chicmax, cho biết việc điều chỉnh này nhằm "nâng cao hiệu quả hoạt động". Theo kế hoạch, công ty sẽ tinh giản 50% nhân sự bộ phận pháp lý và 80% bộ phận đổi mới nội dung, đồng thời tối ưu hóa quy trình làm việc khi "một nhóm sẽ đảm nhận khối lượng công việc tương đương 20 nhóm trước đây".
Tuy nhiên, ông Lu sau đó đã lên tiếng phủ nhận thông tin sa thải hàng loạt. Theo CEO này, Chicmax dự kiến tuyển thêm 800 nhân sự mới trong năm nay, nâng tổng số nhân viên tại trụ sở chính lên 2.700 người vào cuối năm.
Các chuyên gia giáo dục và lao động đã đưa ra những đánh giá thận trọng về tác động của AI đến thị trường việc làm. Theo PGS. Zheng Qi thuộc Đại học Kinh tế Thương mại Thủ đô (Bắc Kinh), AI có thể thay thế các công việc mang tính lặp lại, nhưng khó có thể đảm nhận những vị trí đòi hỏi trí tuệ cảm xúc và kiến thức liên ngành chuyên sâu.
Ông nhấn mạnh xu hướng phát triển của các cơ hội việc làm mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới nổi và AI. "AI không đáng sợ như chúng ta tưởng tượng, mà nên được xem như một công cụ hỗ trợ", vị chuyên gia này khẳng định.
"Thay vì né tránh sự phát triển tất yếu của AI, chúng ta cần tập trung giải quyết các vấn đề cấu trúc phát sinh trong quá trình chuyển đổi này". Theo ông, các giải pháp cần thiết bao gồm tăng cường đào tạo kỹ năng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động.
Trong khi đó, ông Zhang Xuefeng, giảng viên uy tín trong lĩnh vực tuyển sinh sau đại học tại Trung Quốc, bày tỏ quan điểm tích cực về khả năng thích ứng của ngành giáo dục với làn sóng AI.
Trong một buổi phát trực tiếp, vị giảng viên được nhiều phụ huynh tin tưởng này cho rằng các nền tảng AI như DeepSeek khó có thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên. Theo ông, giá trị cốt lõi của nghề giáo dục nằm ở yếu tố cảm xúc và những kinh nghiệm thực tiễn mà AI chưa thể đáp ứng.
Tham khảo South China Morning Post (SCMP)
>> Từ Alibaba đến DeepSeek: Lộ diện thành phố là 'ngôi sao mới' của Trung Quốc