Dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp: Khi nào mới có giá bán chính thức?

06-06-2023 09:22|PHƯƠNG THANH

Mặc dù dự án được huy động theo mức giá tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá nhưng hiện tại vẫn còn rất nhiều bất cập về pháp lý cũng như hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư.

Bất cập về giá mua điện

Sau nhiều ngày tháng chờ đợi cơ chế giá, thì các dự án chuyển tiếp cũng đã lần lượt hoàn thiện, đồng ý đàm phán với EVN với mức giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương) để vận hành phát điện lên lưới.

b111.jpg
Phương pháp tính giá điện có một số điểm chưa phù hợp với thực tế đầu tư, khiến việc đàm phán gặp khó khăn

Theo đó tính đến 17h30 ngày 2/6 đã có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Như vậy tính đến thời điểm này đã có 65/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3643,861MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21. Hiện EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.

Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư hiện còn rất nhiều bất cập về pháp lý cũng như hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư. Phương pháp tính giá điện có một số điểm chưa phù hợp với thực tế đầu tư, khiến việc đàm phán gặp khó khăn. Cụ thể nhiều dự án chưa đủ thủ tục để hoàn thiện hồ sơ đàm phán giá điện với EVN, do còn vướng về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng nên chưa có Quyết định giao đất của UBND tỉnh, khiến các chủ đầu tư chưa ký được biên bản nghiệm thu công trình với Sở Công Thương hoặc Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương). Hoặc nhiều tỉnh còn chưa chấp thuận gia hạn quyết định chủ trương đầu tư cho Chủ đầu tư nên chưa đủ điều kiện đề hoàn thành hồ sơ để đàm phán giá điện.

Ngoài ra đối với một số dự án chuyển tiếp đã được công nhận vận hành phát điện lên lưới theo mức giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá nêu trên vẫn còn nhiều lo ngại về hiệu quả đầu tư tài chính của dự án.

a1111.jpg
Phương pháp xác định giá đàm phán đã được EVN đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn tại văn bản 172/EVN-TTĐ ngày 13/01/2023 nhưng đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết mà chỉ hướng dẫn các nguyên tắc đàm phán giá điện theo Điều 29 và Điều 31 của Luật Điện lực

Lý giải về bất cập này, các chủ đầu tư cho biết; mặc dù đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới với mức giá tạm thời như trên thì nhà đầu tư cũng thiệt đơn, thiệt kép. Bởi nhà đầu tư mới nhận được 50% theo khung giá trần tính theo thời điểm chính thức phát điện lên lưới, còn số tiền còn lại phải chờ đến khi nào có giá bán chính thức mới được thanh toán nốt.

Tuy vậy, theo như tình hình hiện nay thì chưa biết đến khi nào mới ký được giá bán điện chính thức” - đại diện một nhà đầu tư phân trần.

Thông tin tới Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ: Các chủ đầu tư do không thể cầm cự chờ thêm được nữa nên đành chấp nhận đàm phán với mức giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ) để phát điện. Bởi nếu chờ đợi thêm thì cũng chưa biết đến khi nào mới có giá chính thức, dự án không hoạt động máy móc cũng có nguy cơ bị hỏng hóc, tốn kém chi phí bảo trì, thay thế, trong khi lãi suất ngân hàng vẫn phải thanh toán.

Liên quan đến những vướng mắc về giá điện, trước đó ngày 30 tháng 3 năm 2023 EVN có công văn số 1449/EVN -TTĐ+TCKT kiến nghị gửi Bộ Công Thương về vướng mắc trong đàm phán điện. trong đó EVN nêu rõ:

Về nguyên tắc xác định giá điện từ các thông số đầu vào, hiện tồn tại hai nguyên tắc xác định giá điện, cụ thể:

Một là; Theo hệ số chiết khấu tài chính bình quân được quy định tại thông tư 15, tuy nhiên Thông tư này chỉ hướng dẫn xác định khung giá, không hướng dẫn đàm phán giá điện.

Hai là; Theo dòng tiền từ năm phân tích kinh tế, tài chính đầu tư của dự án như quy định tại Thông tư 57/2020/TT-BTC, nhưng thông tư này chỉ áp dụng cho các dự án nguồn điện truyền thống không quy định áp dụng cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Tuy nhiên đối với việc đàm phán giá điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp Bộ Công Thương chưa hướng dẫn nên EVN và các chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc thống nhất sử dụng một nguyên tắc để thực hiện chung cho tất cả dự án.

Bên cạnh đó, phương pháp xác định giá đàm phán đã được EVN đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn tại văn bản 172/EVN-TTĐ ngày 13/01/2023 nhưng đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết mà chỉ hướng dẫn các nguyên tắc đàm phán giá điện theo Điều 29 và Điều 31 của Luật Điện lực. Hai điều này chỉ là khung cơ bản về chính sách giá điện và giá phát điện, không nêu rõ thông số và nguyên tắc đã nêu trên.

Chính sách nào cho các dự án

Trước những bất cập trên, các chuyên gia cho biết, chúng ta nên học theo mô hình chính sách của các nước tiên tiến trên thế giới. Sau khi cơ chế giá FiT hết hiệu lực, cần xây dựng cơ chế giá điện cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió. Cụ thể như cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án NLTT được đánh giá là cơ chế minh bạch, là xu hướng tất yếu của thị trường, góp phần tăng sự cạnh tranh, và đem lại hiệu quả kinh tế.

Theo Quy hoạch điện 8 thì hiện tại chưa có bước xác định tên các dự án, mới chỉ định hướng phát triển lượng công suất của từng dạng năng lượng.

Trước đó, năm 2022, Bộ Công Thương đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời. Đối tượng tham gia đấu thầu là các dự án, phần dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang triển khai đầu tư, nhưng không kịp đưa vào vận hành đúng mốc thời gian theo quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Tuy nhiên, việc đấu thầu giá điện để chọn nhà đầu tư dự án NLTT lại vướng vì chưa có căn cứ để triển khai. Bởi theo quy định Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực, không thể thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư với tiêu chí giá bán điện cạnh tranh (giá cuối cùng) là tiêu chí giá trúng thầu.

Do đó, để sớm giải quyết các vướng mắc nêu trên, các chuyên gia và các doanh nghiệp đề xuất Bộ Công Thương cần sớm ban hành phương pháp xác định giá đàm phán để EVN có cơ sở thực thiện đàm phán giá với các Chủ đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đồng thời sớm trình Chính phủ cơ chế chính sách giá bán điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời đang và sẽ phát triển sau này, tránh khoảng trống chính sách, để lại nhiều hệ lụy như thời gian vừa qua.

Hô biến tua-bin điện gió cũ thành 'nhà tí hon'

Thủ tướng Chính phủ: Nếu ai 'chạy chọt', sẽ xử lý nghiêm

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/du-an-dien-gio-dien-mat-troi-chuyen-tiep-khi-nao-moi-co-gia-ban-chinh-thuc-245232.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp: Khi nào mới có giá bán chính thức?
    POWERED BY ONECMS & INTECH