Vĩ mô

Dự án khu công nghiệp VSIP lớn nhất ĐBSCL gặp khó vì chưa tìm được vật liệu san lấp

Phúc Lam 25/07/2024 - 21:20

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ, bản chất của cát biển ở Đồng bằng sông Cửu Long là cát bồi lắng, độ nhiễm mặn còn rất thấp sau nhiều lần thau rửa bằng nước ngọt. Do vậy, có thể xin ý kiến bộ ngành để dùng san lấp khu công nghiệp VSIP Cần Thơ.

VSIP Cần Thơ là dự án khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án khởi công tháng 9/2023 với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng; khu công nghiệp rộng 900ha, tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động sau khi hoàn thành.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu và lãnh đạo UBND thành phố, các sở ngành và nhà đầu tư đã có buổi làm việc về tiến độ của dự án này.

Theo báo Tiền Phong, trong buổi làm việc, ông Hiếu đề nghị huyện Vĩnh Thạnh và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, để cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024.

VSIP đang xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường về thí điểm cả hai vật liệu (tro xỉ nhiệt điện và cả cát biển) làm vật liệu san lấp khu công nghiệp.

Ông Hiếu cho rằng, vì cát theo dòng chảy từ sông bồi lắng ra biển nên cát biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long bản chất là cát sông. “Sau nhiều lần thau rửa bằng nước ngọt độ mặn trong cát còn rất thấp, thậm chí thấp hơn những vùng nhiễm mặn. Chúng ta không phải băn khoăn lắm, chưa có tiêu chí thì xây dựng, vì mình đi đầu. Cao tốc còn sử dụng cát biển được huống chi những nơi như khu công nghiệp", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan khi làm phải chặt chẽ về kỹ thuật, có thể tham khảo, tìm hiểu ở Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - Bộ Giao thông vận tải đang sử dụng cát biển để san lấp nền cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

“Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã đề xuất Thủ tướng cho thí điểm cát biển, tro xỉ làm đường giao thông và hạ tầng khu công nghiệp. Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đồng ý cho Cần Thơ nghiên cứu triển khai thí điểm”, ông Hiếu nói.

Dự án khu công nghiệp VSIP lớn nhất ĐBSCL gặp khó vì chưa tìm được vật liệu san lấp
Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ - Ảnh: Internet

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Vũ - Phó Giám đốc Công ty CP VSIP Cần Thơ cho biết, giá và nguồn cung cát san lấp trong vùng và ở Cần Thơ biến động rất nhiều, gây không ít khó khăn cho dự án. Để giải quyết, đơn vị đã chủ động tìm kiếm nhiều nguồn vật liệu thay thế, như dùng cát biển, tro xỉ nhà máy nhiệt điện.

Cũng theo ông Vũ, giá cát tăng lên rất nhiều kể từ khi VSIP đầu tư dự án tại TP. Cần Thơ. Nếu tiếp tục dùng cát sông để san lấp, dự án sẽ đội vốn thêm khoảng 800 tỷ đồng, kéo theo phải tăng giá cho thuê mặt bằng lên 40 USD/m2 mới đủ bù chi phí.

Cuối năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời nhà đầu tư rằng, tro xỉ nhà máy nhiệt điện là chất thải công nghiệp thông thường, không nguy hại và có thể sử dụng san lấp khu công nghiệp.

Ông Vũ phát biểu: "Từ cơ sở trên, VSIP đề xuất UBND TP. Cần Thơ cho phép có một thỏa thuận chính thức để công ty sử dụng tro xỉ nhiệt điện với diện tích 5-10ha. Sau đó theo dõi, đánh giá và báo cáo kết quả lên bộ ngành, thành phố, làm cơ sở mở rộng phạm vi dùng tro xỉ".

Đề cấp đến vấn đề cát biển, ông Vũ cho biết, công ty không ngại sử dụng thay cát sông, nhưng khách hàng của VSIP sẽ quan tâm đến môi trường, bảo hiểm... nên cần có quy định, hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý.

>>Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án lựa chọn nhà đầu tư thí điểm điện gió ngoài khơi

Tỉnh tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước sắp có thêm khu công nghiệp thứ 10 kết nối với đường vành đai quan trọng

Cần Thơ 'mạnh tay' chi gần 7.300 tỷ đồng để làm tuyến đường dài... 7km

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/du-an-khu-cong-nghiep-vsip-lon-nhat-dbscl-gap-kho-vi-chua-tim-duoc-vat-lieu-san-lap-243161.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Dự án khu công nghiệp VSIP lớn nhất ĐBSCL gặp khó vì chưa tìm được vật liệu san lấp
POWERED BY ONECMS & INTECH