Thế giới

Dự án tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới: Dự kiến cao gần 1.000m, là ‘cục pin’ lưu trữ năng lượng tái tạo khổng lồ

Thiên Kim 11/08/2024 - 16:19

Ý tưởng này đang được hiện thực hóa bởi hai công ty hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc và năng lượng là SOM và Energy Vault.

Hiện nay, ngày càng có nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên hơn bao giờ hết. Theo CNN, ngoài chức năng lưu trú, những tòa nhà này có thể sớm phục vụ cho mục đích mới là lưu trữ năng lượng tái tạo.

Năng lượng tái tạo vốn được xem là ngành công nghiệp đang phát triển trong thời kỳ hiện đại. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với lưới điện sạch là sự không liên tục của một số nguồn năng lượng tái tạo.

Mây kéo đến làm gián đoạn việc sản xuất năng lượng mặt trời, hoặc gió ngừng thổi cũng khiến các tuabin không thể tạo ra điện. Và có những lúc mặt trời và gió tạo ra nhiều điện hơn mức cần thiết.

Lưu trữ được đánh giá là yếu tố quan trọng để cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ điện. Sự kết hợp của các công nghệ - từ nhiều loại pin khác nhau đến các phương pháp lưu trữ năng lượng khác - có thể là điều cần thiết để tăng cường khả năng lưu trữ.

Dự án tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới: Dự kiến cao gần 1.000m, là ‘cục pin’ lưu trữ năng lượng tái tạo khổng lồ - ảnh 1
Tòa nhà cao nhất thế giới tiếp theo có thể là một 'cục pin' cao gần 1.000m. Ảnh: CNN

Dự án tòa nhà chọc trời lưu trữ điện

Skidmore, Owings & Merrill (SOM) là công ty kiến trúc và kỹ thuật nổi tiếng từng đứng sau một số tòa nhà cao nhất thế giới. Vào cuối tháng 5, họ đã công bố thỏa thuận hợp tác với công ty Energy Vault để phát triển các giải pháp lưu trữ năng lượng mới bằng trọng lực.

Dự án này sẽ thiết kế một tòa nhà chọc trời sử dụng động cơ chạy bằng điện từ lưới điện để nâng các khối pin lớn, nhằm lưu trữ điện dư thừa khi nhu cầu sử dụng năng lượng thấp.

Khi có nhu cầu, pin sẽ được hạ xuống để giải phóng năng lượng và sau đó chuyển đổi thành điện.

Xây dựng các tòa nhà cao chọc trời là chuyên môn của SOM. Công ty đã thiết kế Trung tâm Thương mại Thế giới One World Trade Center ở New York, Tháp Willis của Chicago và tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, Burj Khalifa ở Dubai - cao hơn 828m.

Dự kiến công trình mới của SOM và Energy Vault có thể cao từ 300 - 1.000m, với cấu trúc rỗng giống như các trục thang máy để di chuyển các khối pin, đồng thời tạo không gian cho nhà ở và cho thuê thương mại.

Dự án tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới: Dự kiến cao gần 1.000m, là ‘cục pin’ lưu trữ năng lượng tái tạo khổng lồ - ảnh 2
Tòa nhà pin chọc trời sẽ được tích hợp công nghệ lưu trữ năng lượng trọng lực vào trong thiết kế. Ảnh: CNN

CEO Robert Piconi của Energy Vault nói với CNN rằng thiết kế tòa nhà có thể lưu trữ được nhiều gigawatt giờ năng lượng, đủ để cung cấp điện cho một số tòa nhà. Energy Vault và SOM tin rằng các giải pháp của họ có thể khả thi về mặt thương mại.

Khi nói đến công nghệ lưu trữ năng lượng trọng lực, thì việc xây dựng các tòa nhà càng cao sẽ càng tốt vì nó có thể bù đắp lượng carbon nhanh hơn trong vòng từ 2 - 4 năm.

Cả SOM và Energy Vault hiện đang tìm kiếm các đối tác phát triển để biến thiết kế của họ thành hiện thực. Uy tín của SOM trong lĩnh vực nhà cao tầng "sẽ giúp giải quyết thách thức trong việc xây dựng công trình đầu tiên", ông Piconi khẳng định.

Theo CNN

>> Dự án khu dân cư in 3D lớn nhất thế giới: Gồm 100 căn nhà, siêu mát siêu bền, giá hơn chục tỷ đồng mỗi căn

Siêu dự án kênh đào dài 107km: Gồm 63 cây cầu, tàu nặng tới 4.400 tấn vẫn có thể đi qua, khơi thông ‘nút thắt’ giao thông lớn nhất châu Âu

Láng giềng Việt Nam hoàn thiện 100% siêu cầu dây văng cao ngang tòa nhà 80 tầng, đạt bước tiến mới cho ngành kỹ thuật - xây dựng

Theo Kinh tế Đô thị
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/du-an-toa-nha-choc-troi-cao-nhat-the-gioi-du-kien-cao-gan-1000m-la-cuc-pin-luu-tru-nang-luong-tai-tao-khong-lo-125301.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Dự án tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới: Dự kiến cao gần 1.000m, là ‘cục pin’ lưu trữ năng lượng tái tạo khổng lồ
POWERED BY ONECMS & INTECH