Dự thảo Nghị định có nhiều điểm trái với nhiều quy định cơ bản của các luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư.
Dự thảo trái Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư
Góp ý về Dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu, dưới góc độ pháp lý Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, nói rằng về mục tiêu ban hành, đối tượng và phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị định đang tiếp cận theo hướng quy định toàn diện, tạo thành khung pháp luật riêng và độc lập về kinh doanh xăng dầu mà không giới hạn quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu như yêu cầu của Điều 7, Luật Đầu tư 2020.
“Tôi e rằng, việc mở rộng này vượt quá thẩm quyền điều chỉnh của một văn bản pháp luật cấp Nghị định”, ông Lập nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự. |
Trong khi đó, về căn cứ và cơ sở pháp lý, ông Lập cho rằng nội dung Dự thảo Nghị định trái với nhiều quy định cơ bản của các luật có liên quan, đặc biệt có nhiều quy định can thiệp không hợp lý vào các quan hệ thị trường, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không bảo đảm xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.
Lấy ví dụ cho lập luận này, ông Lập khẳng định Dự thảo Nghị định đang trái với Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, ông Lập cho biết Luật Doanh nghiệp quy định mọi doanh nghiệp được “tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh”.
“Trong khi đó, tương tự Nghị định 83/2014, Dự thảo Nghị định vẫn tiếp tục phân loại cứng ba nhóm doanh nghiệp chính, bao gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ với các quyền, nghĩa vụ, lợi ích khác nhau theo các chế độ quản lý, đối xử khác nhau của Nhà nước.
Xin lưu ý, Luật Doanh nghiệp không phân loại doanh nghiệp theo chức năng kinh doanh. Các hoạt động nhập khẩu, phân phối bán buôn, đại lý bán lẻ hay cung ứng dịch vụ là các hành vi thương mại, kinh doanh thông thường, do doanh nghiệp tự quyết theo nhu cầu thị trường, chỉ cần tuân thủ các điều kiện kinh doanh có liên quan.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định quy định rất chi tiết về các quyền và nghĩa vụ của từng loại doanh nghiệp, điều này không cần thiết bởi đã có các văn bản pháp luật khác điều chỉnh. Hơn nữa, nó vượt quá thẩm quyền của một Nghị định vì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tất cả các nội dung về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, công dân, bao gồm cả doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quy định của luật do Quốc hội hay Pháp lệnh do UBTV Quốc hội ban hành mà không phải của Nghị định Chính phủ”, ông Lập phân tích.
Ngoài ra, ông Lập cũng khẳng định, Dự thảo này cũng trái với Luật Đầu tư: Điều 7, Luật Đầu tư nhấn mạnh việc các cơ quan chức năng của Nhà nước khi ban hành “Điều kiện đầu tư kinh doanh… phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư, và chỉ khi thấy cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khoẻ cộng đồng.
“Trong khi đó, Dự thảo Nghị định tiếp tục yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu, tuỳ thuộc loại doanh nghiệp, phải có hệ thống phân phối gồm số lượng cụ thể nhất định thương nhân bán lẻ và cửa hàng bán lẻ, hay buộc phải có hợp đồng mua bán, phải có kho và phương tiện vận tải, quá trình kinh doanh chưa bị xử phạt...
Rõ ràng đó là các điều kiện tự nhiên về kỹ thuật, thương mại và thị trường mà bất cứ doanh nghiệp nào khi kinh doanh đều đương nhiên phải bảo đảm, không liên quan đến “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khoẻ cộng đồng”. Do đó, Nghị định quy định như vậy chỉ làm tăng thêm các thủ tục hành chính phiền hà và tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp”, ông Lập khẳng định.
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: 'Sếp tổng' một công ty xăng dầu kháng án, không chấp nhận liên đới trả 443 tỷ
Ban hành dự thảo không kèm báo cáo tác động
Về quy trình xây dựng văn bản, ông Lập cho biết theo thông tin công khai, Dự thảo Nghị định khi công bố để lấy ý kiến chưa kèm theo Báo cáo đánh giá tác động về các chính sách có liên quan bằng việc khảo sát, lấy ý kiến chuyên sâu của các nhóm đối tượng chịu tác động trực tiếp là cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng.
Ban hành dự thảo không kèm báo cáo tác động. |
Ông Lập cũng đưa ra lưu ý rằng yêu cầu đánh giá tác động của chính sách khi xây dựng văn bản pháp luật là bắt buộc. Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ: vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính, tác động về giới (nếu có).
“Nếu chưa có Báo cáo đánh giá tác động chính sách kèm theo, sẽ có hệ quả là các đối tượng có liên quan sẽ rất khó để đóng góp ý kiến một cách thực chất, có chất lượng cho Dự thảo Nghị định”, ông Lập nói.
Để giải quyết những vấn đề như trên, ông Lập cho rằng Dự thảo nên thay đổi về quan điểm tiếp cận theo hướng ban hành quy định pháp luật về xăng dầu cần vì lợi ích quốc gia (tức bảo đảm an ninh năng lượng và nhiên liệu); vì lợi ích doanh nghiệp (tức bảo đảm tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ); và vì lợi ích người tiêu dùng (tức có giá cả hợp lý và chất lượng tốt).
“E rằng hệ thống và mô hình quản lý, vận hành thị trường xăng dầu hiện tại không phục vụ việc đạt được các lợi ích trên và chứa đựng các rủi ro, do đó cần thiết phải có sự cải cách cả về tư duy, quan điểm tiếp cận và cách giải quyết vấn đề. Có thể rút bài học từ thị trường viễn thông trước đây và thị trường điện vừa qua, điểm đột phá về chính sách quản lý đã và đang diễn ra là tự do hoá kinh doanh theo hướng cạnh tranh, giảm dần hay từ bỏ vai trò trụ cột và thống lĩnh của một hoặc một vài doanh nghiệp nhà nước nói chung và hay doanh nghiệp lớn nói riêng”, ông Lập nhấn mạnh.
>> Tạm giữ 134 sổ tiết kiệm tổng số tiền 1.320 tỷ đồng trong vụ Xuyên Việt Oil
Vụ Xuyên Việt Oil: Cựu Bí thư Bến Tre và loạt lãnh đạo Bộ Công Thương hầu tòa
Bỏ tư duy 'quản không được thì cấm’ trong kinh doanh xăng dầu