Dự trữ dầu của Mỹ đã giảm xuống còn 427,2 triệu thùng, đây là mức thấp kỷ lục trong gần 4 thập niên do nước này tập trung vào bình ổn giá xăng dầu.
Theo báo cáo được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 23/9, dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ (SPR) đã giảm xuống 427,2 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1984 cho đến nay.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo 180 triệu thùng dầu thô từ các kho dự trữ của SPR sẽ được xuất ra thị trường vào cuối tháng 3 trong nỗ lực kiềm chế giá nhiên liệu tăng và sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến xuất khẩu dầu của Nga ra thị trường toàn cầu trong bối cảnh xung đột diễn ra ở Ukraine.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ bán khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng 6 tháng. Các nhà phân tích cho hay khối lượng này cao hơn gấp ba lần so với bất kỳ lần xả kho nào trước đây của SPR.
Dữ liệu chính thức cho thấy từ đầu năm đến nay, SPR đã giải phóng khoảng 155 triệu thùng dầu. Dự kiến sẽ có thêm 10 triệu thùng nữa được bơm vào thị trường trong tháng 11 tới.
Theo một phân tích gần đây từ Bộ Tài chính Mỹ, nỗ lực xả kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ và các đối tác quốc tế của nước này đã giúp hạ giá xăng trong nước khoảng 40 cent/gallon.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá xăng bán lẻ tại Mỹ giảm dần trong hơn 13 tuần liên tiếp kể từ tháng 6/2022. Tuy nhiên, vào đầu tuần này, giá xăng ở Mỹ lại có dấu hiệu tăng trở lại khi nguồn cung bị gián đoạn do một số nhà máy lọc dầu ngưng hoạt động để bảo trì.
Trong phiên giao dịch ngày 24/9, giá dầu thô Brent giao sau giảm 4,31 USD (tương đương 4,8%) xuống 86,15 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 4,75 USD, xuống 78,74 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Giá dầu giảm mạnh sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm % đã khởi xướng 'làn sóng' tăng lãi suất giữa các ngân hàng trung ương toàn cầu khiến tăng nguy cơ để suy giảm kinh tế.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiện đang thúc đẩy kế hoạch áp giá trần với dầu Nga sau khi nước này ban hành lệnh động viên cục bộ để phục vụ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria, Timipre Marlin Sylva, đại diện cho OPEC+ mới đây cũng đã đề cập đến khả năng cắt giảm sản lượng toàn cầu nếu giá giá dầu tiếp tục giảm.
Mới đây, Giám đốc IEA cũng đã ra một cảnh báo rằng khủng hoảng năng lượng có thể làm mất đi sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) và tạo nên những bất ổn xã hội.
Ông Fatih Birol, Tổng Giám đốc IEA lo ngại về một nguy cơ “như miền Viễn Tây” nếu các nước châu Âu hạn chế thương mại hoặc ngừng hợp tác với những người hàng xóm giữa những lo ngại về thiếu hụt nhiên liệu. "Miền Viễn Tây" là thuật ngữ để chỉ phía tây nước Mỹ vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nơi vẫn còn hoang sơ, hỗn loạn và đầy rẫy tội phạm.
Quan hệ giữa các quốc gia châu Âu đang ngày càng căng thẳng khi toàn khối đang cố gắng duy trì một mặt trận thống nhất trong bối cảnh giá năng lượng gia tăng, đẩy châu lục tới nguy cơ suy thoái.
Khủng hoảng đang đến gần làm dấy lên lo ngại rằng một số quốc gia sẽ phá bỏ các thỏa thuận để có được nguồn cung từ Nga hoặc hạn chế xuất khẩu năng lượng tới những người hàng xóm.
IEA: Khủng hoảng năng lượng có thể phá vỡ sự thống nhất của EU