Đưa loạt 'đại bàng' đến lập 'cứ điểm', Hàn Quốc đứng No.1 trong 146 nhà đầu tư FDI tại Việt Nam
Tính đến nay, Việt Nam đã đón hơn 87,5 tỷ USD vốn FDI từ Hàn Quốc (chiếm 18% tổng vốn đầu tư).
Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, có 1.538 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 9,54 tỷ USD, tăng 18,9% về số dự án và tăng 46,9% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, 592 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 6,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 3,95 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ. 1.420 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,9% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 57,7% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 10,69 tỷ USD, chiếm 70,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 26,3% so với cùng kỳ.
>> Nhà đầu tư nước ngoài rót gần 15,2 tỷ USD vào Việt Nam
Trong 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam 6 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,58 tỷ USD, chiếm gần 36,7% tổng vốn đầu tư, tăng 86% so với cùng kỳ 2023.
Nhật Bản đứng thứ 2 với hơn 1,73 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư, giảm 21,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc,…
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, chiếm 29,1% tổng số dự án FDI vào Việt Nam 2 quý đầu năm.
Lũy kế đến ngày 20/6/2024, cả nước có 40.544 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 484,77 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 308 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Đến nay, hiện có 146 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 87,5 tỷ USD (chiếm 18% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ 2 với gần 80,2 tỷ USD (chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là các nước và vùng lãnh thổ Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.
Samsung tại Việt Nam
>> 'Gà đẻ trứng vàng' vùng Tây Nam Bộ thu về hơn 18.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nửa năm
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các đối tác đầu tư lớn nhất trong 6 tháng đầu năm đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ Châu Á. Riêng 5 quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu (Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc) đã chiếm tới 73,7% số dự án đầu tư mới và 68,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 6 tháng.
Trước đó, tại hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" vào tháng 3 vừa qua, các chuyên gia nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư.
Theo các chuyên gia, làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như: Điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể nhất, trong đó Việt Nam đóng vai trò là cơ sở sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao.
Ngoài tập đoàn LG, Hyosung, Việt Nam là "cứ điểm" sản xuất hàng đầu của Samsung, chiếm trên 50% sản lượng điện thoại di động của doanh nghiệp này trên toàn thế giới. Qua đó, Việt Nam đã phát triển nhảy vọt trở thành quốc gia trọng điểm toàn cầu sản xuất điện thoại di động ra toàn thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp Hàn Quốc này đã đầu tư thành công tại Việt Nam và khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới.
>> Hơn 7,5 tỷ USD vốn FDI chảy về tỉnh không có núi, cũng không có biển
Hơn 7,5 tỷ USD vốn FDI chảy về tỉnh không có núi, cũng không có biển
Bất ngờ tỉnh 'bé hạt tiêu' hút hơn 430 triệu USD vốn FDI, vượt kế hoạch cả năm