Đưa xe buýt nhỏ vào phố cổ Hà Nội có khả thi?
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải công cộng TP Hà Nội cho rằng, việc đưa xe buýt nhỏ vào khu vực phố cổ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người mà là do hạ tầng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội được tổ chức gần đây, cử tri phường Hàng Đào kiến nghị thành phố bố trí quỹ đất ngoài đê sông Hồng hoặc một số nơi khác để làm bãi đỗ xe.
Cử tri cũng kiến nghị thành phố bố trí xe buýt loại nhỏ hoạt động trong khu vực phố cổ nhằm giảm mật độ giao thông tại đây.
Trả lời nội dung này, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho rằng, quận đã đề xuất thành phố quy định hạn chế ô tô vào phố cổ và hạn chế xe buýt đi vào các trục xuyên tâm. Sau khi mở các tuyến phố đi bộ, tình hình giao thông trên địa bàn vào cuối tuần có một số điểm ùn tắc nhất định.
Do đó, quận đã phối hợp nghiên cứu lại việc tổ chức giao thông trên địa bàn. Trước mắt, triển khai bố trí giao thông tĩnh ở phần ngầm như vườn hoa Nhà hát Lớn, quảng trường 1/5 đồng thời sẽ tăng cường sử dụng xe buýt nhỏ đi vào trung tâm quận.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác. Trong đó, có 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour. Hiện có 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động buýt với hơn 2.300 phương tiện, mỗi ngày đảm nhận vận chuyển hàng chục nghìn hành khách.
Cũng trong năm 2023, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã rà soát, tham mưu, đề xuất Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh lộ trình 8 tuyến buýt nhằm thuận tiện cho công tác vận hành, tăng cường kết nối mạng lưới xe buýt, mở rộng vùng phục vụ; 10 tuyến để tránh ùn tắc giao thông…Tuy nhiên, trong khu vực phố cổ vẫn chưa có hệ thống xe buýt.
Trao đổi thêm với VietNamNet về đề xuất đưa xe buýt nhỏ vào hoạt động ở khu phố cổ, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải công cộng TP Hà Nội cho rằng, việc đưa xe buýt nhỏ vào khu vực phố cổ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người mà là do hạ tầng.
“Xe buýt ở Hà Nội hiện nay cũng đã có nhiều cỡ, từ nhỏ đến to. Nếu hạ tầng phù hợp, đồng bộ thì đưa xe buýt vào hoạt động thì rất tốt. Nhưng tôi cho rằng việc đưa xe buýt vào không chỉ dừng lại ở việc chạy mà còn phải tổ chức giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn…”, ông Hải nói.
Với hiện trạng giao thông trong khu vực phố cổ hiện nay, ông Hải nhìn nhận “không dễ triển khai” cho xe buýt hoạt động. Nếu tổ chức thì cơ quan chức năng phải khảo sát và tổ chức thực hiện từng bước.
Trong bối cảnh giao thông của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng ông Hải nhìn nhận khi triển khai một loại hình vận tải nào thì cũng phải xử lý đồng thời nhiều việc. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ phải cân nhắc lựa chọn loại xe nào, lộ trình luồng tuyến ra sao, bố trí điểm dừng đỗ ở vị trí nào để vừa không cản trở giao thông lại không ảnh hưởng đến đời sống bà con trong khu phố cổ.
“Cơ quan quản lý sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi từ kỹ thuật, tổ chức giao thông, quản lý vận hành… Tôi cho rằng, Hà Nội nếu khảo sát kỹ lưỡng, thực hiện từng bước thì có những đoạn tuyến có thể đưa xe buýt nhỏ vào hoạt động. Thực tế hiện nay đã có xe buýt nhỏ chạy vào một số tuyến phố nội đô”, ông Hải thông tin.
Nhấn mạnh loại hình vận tải công cộng này không “cướp” mất khách của taxi, ông Hải nêu ý kiến mỗi loại phương tiện sẽ phục vụ cho nhóm hành khách riêng. Nếu như taxi phục vụ hành khách có nhu cầu đón từ cửa đến cửa ở những chặng ngắn, trung bình thì xe buýt sẽ phục vụ hành khách đi chặng dài hơn, theo lộ trình ổn định.
>> 26 triệu học sinh đến lớp bằng xe đưa đón, Mỹ quản lý thế nào để tránh bỏ quên trẻ?
Thủ đô Hà Nội muốn chuyển sang 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh
THACO AUTO xuất khẩu lô xe buýt ghế ngồi cao cấp thứ 3 sang Philippines