Doanh nghiệp

Thủ đô Hà Nội muốn chuyển sang 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh

Mai Chi 18/06/2024 13:33

Việc “xanh hóa” toàn bộ xe buýt không chỉ giúp Hà Nội giảm ô nhiễm môi trường mà còn là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng.

Ngày 12/6, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, đã chủ trì Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố. Hội nghị nhằm thông qua Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh trên địa bàn Hà Nội.

Theo kế hoạch chuyển đổi của Hà Nội, mục tiêu đến năm 2030 là đạt khoảng 70-90% xe buýt sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh. Đến năm 2033, mục tiêu là 100% xe buýt sẽ sử dụng các nguồn năng lượng này.

Hà Nội đã đưa ra ba kịch bản chuyển đổi phương tiện:

Kịch bản 1: 100% xe buýt điện, với tổng nguồn lực cần là 52.354 tỷ đồng.

Kịch bản 2: 70% xe buýt điện và 30% xe buýt LNG/CNG (khí thiên nhiên hóa lỏng/khí thiên nhiên nén), với tổng nguồn lực cần là 47.003 tỷ đồng.

Kịch bản 3: 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG, với tổng nguồn lực cần là 43.940 tỷ đồng.

Trước mắt, UBND Thành phố đề xuất lựa chọn thực hiện theo Kịch bản 3. Khi điều kiện cho phép, sẽ phấn đấu thực hiện theo Kịch bản 2 và tới sau năm 2040, sẽ chuyển đổi hoàn toàn theo Kịch bản 1 - sử dụng 100% xe buýt điện.

Thu đô Hà Nội muốn chuyển sang sử dụng 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh
Xe buýt điện VinFast. Ảnh minh họa

>> Các hãng taxi truyền thống sẽ được hỗ trợ khi chuyển đổi sang xe điện?

PGS.TS Doãn Minh Tâm, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, nhận định rằng, về mặt lý thuyết, xe buýt tại Hà Nội chỉ có thể hoạt động trên các tuyến đường cấp đô thị và khu vực, chiếm khoảng 30-35% tổng chiều dài đường đô thị trong 12 quận nội thành và một số tuyến ngoại thành. Mặc dù Hà Nội là một thành phố lớn và đông dân, nhưng mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố vẫn còn lạc hậu, thiếu điều kiện phát triển.

Để đạt được tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng từ 45-50% vào năm 2030, ngoài việc chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh, Hà Nội cần tăng số lượng và tuyến xe buýt để nâng năng lực vận chuyển lên mức 4-5 triệu lượt người/ngày, gấp 4-5 lần so với hiện tại. Điều này đòi hỏi thành phố phải lập thêm Đề án riêng để phát triển đội xe buýt và mở rộng hệ thống đường bộ, đường đô thị, nhằm đảm bảo điều kiện cho khoảng 5.000 xe buýt hoạt động từ nay đến năm 2030.

Việc “xanh hóa” toàn bộ xe buýt không chỉ giúp Hà Nội giảm ô nhiễm môi trường mà còn là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, hướng đến phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

>> Sếp Toyota: 10-15 năm tới là thời của xe hybrid, xe điện vẫn là xu hướng 'của tương lai'

'Đại gia' xe điện BYD chính thức 'đổ bộ' vào thị trường Việt Nam

Sếp Toyota: 10-15 năm tới là thời của xe hybrid, xe điện vẫn là xu hướng 'của tương lai'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thu-do-ha-noi-muon-chuyen-sang-su-dung-100-xe-buyt-su-dung-dien-nang-luong-xanh-239079.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thủ đô Hà Nội muốn chuyển sang 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh
POWERED BY ONECMS & INTECH