Đường dây 500kV kéo dài 1.487km từ Bắc vào Nam, xây dựng thần tốc chỉ trong 2 năm, kỳ tích khiến cả thế giới thán phục (P1)
Đường dây 500Kv Bắc Nam đã giải quyết vấn đề thiếu điện nghiêm trọng của miền Trung và miền Nam, hợp nhất thành hệ thống điện Quốc gia.
Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 là công trình đường dây truyền tải điện năng (điện xoay chiều) siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam có tổng chiều dài 1.487km, kéo dài từ Hòa Bình đến Phú Lâm (TP. Hồ Chí Minh). Mục tiêu xây dựng công trình là nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa từ Miền Bắc (từ cụm các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà; nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình) để cung cấp cho miền Nam và miền Trung lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ của ba Miền thành một khối thống nhất.
Công trình của những quyết định táo bạo
Từ sau chủ trương Đổi Mới của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1986, kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến tích cực. Khu vực Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh có sự phát triển tốt về kinh tế nhưng việc phát triển nguồn điện ở khu vực này không đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng. Trong giai đoạn từ 1991 đến 1994 chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa - 230MW được đưa vào vận hành. Công suất lắp đặt của Nam Bộ chỉ đáp ứng được 89,73% (lắp đặt 1.005MW, nhu cầu 1.120MW) nên phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần.
Khu vực Trung Bộ được cấp điện chủ yếu qua đường dây 220kV Vinh – Đồng Hới lấy điện từ Hòa Bình, đường dây 66kV từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim cấp cho Cam Ranh, Khánh Hòa và một số nguồn diesel nhỏ tại chỗ. Do đường dây quá dài nên công suất truyền tải bị hạn chế và chất lượng điện cuối nguồn không đảm bảo, thường xuyên bị sụp đổ điện áp ở các khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Công suất lắp đặt của Trung Bộ chỉ đáp ứng được 40,91% nhu cầu (lắp đặt 90MW, nhu cầu 220MW).
Trong khi đó, tại Bắc Bộ, các nhà máy nhiệt điện than Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại, các tổ máy số 3-8 của nhà máy thủy điện Hòa Bình lần lượt được đưa vào vận hành, Bắc Bộ cơ bản thừa công suất.
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam bàn đến 2 phương án giải quyết:
- Bán điện thừa của Bắc Bộ cho Trung Quốc và lấy tiền xây dựng nguồn điện mới tại Nam Bộ và Trung Bộ.
- Xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng dư thừa từ Bắc Bộ vào Nam Bộ và Trung Bộ.
Khi xét đến nhiều yếu tố kỹ thuật, chính trị, an ninh năng lượng, Chính phủ Việt Nam quyết định chọn phương án 2 với cấp điện áp 500kV.
Công trình được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 1/1992. Đến ngày 25/2/1992, Chính phủ phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật với quyết định thời gian hoàn thành là 2 năm.
Giải quyết những bài toán khó
Ở thời điểm đó, đường dây siêu cao áp 500Kv là một quyết định táo bạo, gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Bên cạnh niềm phấn khởi về sự phát triển vượt bậc của ngành điện, niềm hy vọng thoát khỏi cảnh thiếu điện là những mối hoài nghi về phương tiện kỹ thuật, sự mạo hiểm về thời gian và nguồn vốn… Trong đó, đáng chú ý là lá thư của một giáo sư Trường Đại học Grenoble (Pháp) gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, nêu ra những lý do phản biện việc xây dựng đường dây 500kV. Ngoài không có hiệu quả kinh tế và chi phi cao, lý do đáng chú ý nhất là đường dây dài gần 1.500km, là chiều dài của 1/4 bước sóng cho nên không thể tải điện ổn định đi vào miền Nam. Lá thư đó lập tức gây xôn xao dư luận, một số đại biểu Quốc hội trước đó đã đồng tình ủng hộ, hôm sau lại hoài nghi.
Cụ thể, sóng điện từ có hình sin và mỗi bước sóng điện từ tương ứng 6.000km. Độ dài của đường dây 500kV mạch 1 được tính toán là khoảng 1.500km, đúng bằng 1/4 bước sóng, tức là đúng ngay đỉnh của hình sin. Nghĩa là nếu điện từ ở Hoà Bình đang ở mức cực tiểu thì khi vào đến TP.HCM sẽ vọt lên cực đại và ngược lại, nếu ở Hoà Bình cực đại thì vào TP.HCM có thể bằng không. Điều này dẫn đến tình trạng điện áp không ổn định, và khi ấy không còn là 500kV mà có thể vọt lên đến 700 hoặc 1.000kV, gây cháy toàn bộ thiết bị.
Ngoài ra, mục tiêu hoàn thành xây dựng đường dây cao áp 500Kv có chiều dài tới 1.500km trong 2 năm cũng đã được nhiều người cho là không khả thi. Bởi tại thời điểm đó, các nước phát triển như Pháp, Úc, Mỹ mới chỉ xây dựng đường dây cao áp dài nhất cũng chỉ 700km-800km và phải mất tới 7-8 năm thi công.
Không chờ cho sự nghi ngại của dư luận lắng xuống, với tinh thần nhìn thẳng, nói thật, Thủ tướng khi ấy là Võ Văn Kiệt đã nói: “Ai ủng hộ thì đứng vào hàng ngũ, ai không ủng hộ thì đứng ra một bên”.
Không chịu khuất phục trước khó khăn, các giải pháp tối ưu nhất đã được các kỹ sư đưa ra.
Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ Trần Đình Long, người đã tham gia nghiên cứu xây dựng công trình đường dây 500kV ngày ấy nhớ lại, nhiều nhà khoa học, cơ quan khoa học phản đối và lo lắng về câu chuyện 1/4 bước sóng là dễ hiểu vì đúng là rơi vào vùng khó, nhưng không phải không có cách để làm. Để giải quyết vấn đề 1/4 bước sóng, các chuyên gia Việt Nam cùng với các chuyên gia nước ngoài đã tính toán kỹ thuật, đề xuất phương án đặt 5 trạm biến áp dọc theo đường. Mục đích của những trạm này là nơi nào dòng điện lên cao nó sẽ kéo xuống. Ngược lại, nơi nào điện yếu trạm bù này sẽ bổ sung để điện áp của dòng điện luôn ổn định.
Còn bài toán về thời gian hoàn thành công trình, đâu là cách các kỹ sư Việt Nam hoàn thành công trình trong vỏn vẹn 2 năm? Phương án vừa thiết kế, vừa thi công được đặt ra. Và siêu công trình sẽ được khởi công xây dựng toàn tuyến thay vì làm lần lượt từng tuyến, chia tuyến ra làm 4 đoạn, mỗi đoạn giao cho 1 công ty xây dựng phụ trách: Đoạn từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh giao cho Công ty Xây lắp Điện 1 thi công; từ Hà Tĩnh đến Kon Tum giao cho Công ty Xây lắp Điện 3 thi công; từ Kon Tum đến Đắk Lắk giao cho Công ty Xây lắp Điện 4 và từ Đắk Lắk đến Phú Lâm do Công ty Xây lắp Điện 2 đảm nhận. Trong đó, công đoạn 2 từ Hà Tĩnh đến Kon Tum là khó khăn, phức tạp nhất với hơn 400km là đồi núi, rừng già và nhiều đoạn phải vượt sông lớn.
Và vào ngày 5/4/1992, tại các vị trí móng số 54, 852, 2702, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình. Theo sự phân công của Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt làm Tổng chỉ huy công trình đường dây 500kV Bắc - Nam.
(Còn nữa)