Siêu cầu 40km trên mặt nước dài nhất thế giới: 9.500 trụ, 3.700 nhịp, xây dựng ‘thần tốc’ chỉ trong 14 tháng, giữ Kỷ lục Guinness suốt trong 70 năm
Cây cầu trị giá 30 triệu USD này được coi là một kỳ tích kỹ thuật, đánh dấu một bước tiến lớn trong ngành xây dựng cầu đường.
Cầu Hồ Pontchartrain là cây cầu bắc qua Hồ Pontchartrain nằm ở New Orleans, tiểu bang Louisiana, Mỹ. Cây cầu này có chiều dài 38,39km với khoảng 9.500 trụ bê tông chính là cây cầu liên tục dài nhất thế giới bắc qua mặt nước.
Trong những năm 1940 và 1950, New Orleans chứng kiến sự tăng trưởng dân số và kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, việc di chuyển qua Hồ Pontchartrain bằng đường bộ vô cùng khó khăn, với quãng đường dài và thời gian di chuyển kéo dài hàng giờ. Trước tình hình đó, Ủy ban Đường cao tốc Greater New Orleans được thành lập vào năm 1955 với nhiệm vụ xây dựng một cây cầu hiện đại nhằm kết nối hai bờ hồ. Chỉ trong vòng 14 tháng, vào năm 1956, cầu Pontchartrain chính thức khánh thành với chiều dài 38,39 km với tổng chi phí khoảng 30,7 triệu USD.
Công trình cầu Hồ Pontchartrain là một kỳ tích kỹ thuật, đánh dấu một bước tiến lớn trong ngành xây dựng cầu đường. Việc áp dụng công nghệ đúc bê tông dự ứng lực và phương pháp lắp ráp dây chuyền đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian thi công. Cây cầu không chỉ giải quyết bài toán giao thông mà còn trở thành một biểu tượng của sự phát triển và kết nối giữa các cộng đồng.
Cầu Hồ Pontchartrain thực chất gồm hai cầu chạy song song nhau. Cầu hướng nam có hai làn xe, được mở cửa lần đầu vào ngày 30/8/1956, trong khi cầu hướng bắc với thiết kế tương tự được hoàn thành vào năm 1969. Mặc dù có kích thước đồ sộ, quá trình xây dựng cầu chỉ diễn ra trong 14 tháng nhờ vào các phương pháp dây chuyền lắp ráp và sản xuất hàng loạt. Đây cũng là lần đầu tiên những phương pháp xây dựng này được áp dụng cho một cây cầu.
Cầu hướng nam gồm 2.246 nhịp, rộng khoảng 8,5m và dài 17m, trong khi cầu hướng bắc có 1.506 nhịp, cũng rộng 8,5m nhưng dài 25,6m. Các nhịp bao gồm dầm bê tông cốt thép dự ứng lực đúc liền (mọi thành phần được đúc đồng thời), lan can và sàn cầu. Nhịp ở cả cầu hướng bắc và hướng nam đều được chống đỡ bởi các trụ bê tông đúc sẵn dài trung bình 27,4m.
Cầu dài đến mức khi lái xe được khoảng 12,8km, tài xế không còn thấy đất liền. Nhiều người lái xe đã gặp phải tình trạng "sợ cứng người" giữa chừng vì chứng sợ biển, buộc cảnh sát phải hộ tống họ hoàn thành chuyến đi. Trên cầu này, đã có những đứa trẻ chào đời khi mẹ của chúng không kịp đến bệnh viện. Đặc biệt, từng có một chiếc máy bay hết nhiên liệu đã hạ cánh an toàn xuống cầu.
Khi đi vào hoạt động, cầu Hồ Pontchartrain đã giữ Kỷ lục Guinness Thế giới về cây cầu dài nhất bắc qua mặt nước. Vào tháng 7 năm 2011, Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới xác nhận cầu Vịnh Giao Châu ở Trung Quốc, vừa hoàn thành, là cây cầu trên mặt nước dài nhất thế giới với tổng chiều dài 42,6km. Đến năm 2018, Trung Quốc tiếp tục lập kỷ lục mới với cây cầu Hong Kong - Chu Hải - Macau dài 55km.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những cây cầu này không hoàn toàn nằm trên mặt nước, do kết cấu của chúng bao gồm cả đường hầm dưới biển. Sự tranh cãi này đã khiến Tổ chức Kỷ lục Guinness phải phân loại lại. Theo đó, cầu Pontchartrain được công nhận là cây cầu trên mặt nước dài nhất thế giới (tính theo độ dài liên tục). Trong khi đó, cầu Vịnh Giao Châu được coi là cây cầu trên mặt nước dài nhất (tổng chiều dài).
Kể từ đó, cầu Hồ Pontchartrain vẫn duy trì vị thế là cây cầu liên tục trên mặt nước dài nhất thế giới trong suốt 68 năm.
Theo: IFL Science