Để ngành mía đường trong nước tồn tại và phát triển trong tương lai, cần phải có những thay đổi vĩ mô nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Tại hội thảo Hướng tới Phát triển bền vững Ngành mía đường Việt Nam diễn ra sáng 21/1, ông Nguyễn Vinh Quang, đại diện Forest Trends cảnh báo: "Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng như Malaysia và Đài Loan, phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu nếu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp lỏng lẻo, thiếu minh bạch và không phân chia lợi nhuận rõ ràng. Để ngành mía đường tồn tại và phát triển trong tương lai cần phải có những thay đổi vĩ mô nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh".
Ông Quang đưa ra cảnh báo này vì giai đoạn 2017-2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2- 1,8 triệu tấn đường, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30-90%, còn lại 10-70% là đường nhập lậu, chủ yếu từ Thái Lan thông qua đường bộ từ Campuchia và Lào.
Đặc biệt sau ngày 1/1/2020, Việt Nam chính thức tham gia hiệp định ATIGA, lượng đường nhập khẩu đạt 1,5 triệu tấn, tăng gần 4,4 lần so với lượng nhập năm 2019 và gấp 2 lần sản lượng đường sản xuất.
Ở chiều ngược lại, ngành mía đường Việt Nam lại có xu hướng đang có xu hướng co giảm. Diện tích trồng mía hiện giảm trên 45% so với niên vụ 2016 - 2017, từ 274.000 ha xuống còn 151.000 ha do lợi ích kinh tế mà cây mía mang lại thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Sản lượng đường giảm từ 1,2 triệu tấn xuống còn 77.000 tấn, tương đương mức giảm 38%. Sự sụt giảm cũng thể hiện trong khâu chế biến, từ 38 nhà máy vào năm 2017 xuống còn 29 như hiện nay.
Lý giải nguyên nhân diện tích mía giảm, một nông dân trồng mía ở Tây Ninh cho biết, nông dân là người sản xuất mía, bán cho nhà máy chế biến song lại là đối tượng hưởng lợi ít nhất. Người trồng đang thua trong cuộc chơi này vì nhà máy thiếu minh bạch về trữ đường và lợi nhuận sản phẩm.
"Vẫn còn nhà máy thu mua mía nguyên liệu dưới 1 triệu đồng/tấn. Tôi từng mang mẫu mía Tây Ninh đi đánh giá chữ đường và kết quả dao động 11 – 13 CCS, chênh lệch 4 – 5 CCS so với số liệu của nhà máy. Người nông dân trồng mía chỉ được hưởng 11% lợi nhuận, vậy 89% sẽ rơi tay các nhà máy đường. Đây là điều hết sức bất hợp lý!", nông dân nói.
Do đó, nông dân cho rằng, cần có một đơn vị độc lập đánh giá chữ đường của mía, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhà máy, như vậy mới có thể bảo vệ quyền lợi cho nông dân, kéo nông dân trở lại với cây trồng này.
Về phía doanh nghiệp, ông Võ Văn Lương, đại diện Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (Nasu) cho biết, hiện Nasu đang đánh giá chữ đường bằng hệ thống đo hồng ngoại, có độ chính xác cao, tạo sự minh bạch, tin tưởng giữa hai bên.
Bên cạnh đó, Nasu còn hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, hạn chế sử dụng phân bón để tiết kiệm cho phí. Đồng thời, Nasu cũng mua mía với giá cao, khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, chi gần 3 tỷ đồng tiền thưởng cho nông dân sản xuất mía năng suất, chất lượng cao.
Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, bà Võ Thị Lý, Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần có cơ chế để các hộ nông dân tham gia vào hiệp hội, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và nông dân thấu hiểu lẫn nhau.
Bên cạnh đó, Cục sẽ đề xuất thành lập đơn vị đánh giá, giám sát chữ đường độc lập, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.
Còn theo ông Nguyễn Vinh Quang, để tạo ra sự hài hòa trong liên kết giữa nông dân trồng mía và doanh nghiệp, Chính phủ cần ban hành chính sách đặc thù cho ngành mía, đảm bảo các hộ trồng mía thu được 60 - 70% lợi nhuận, còn lại 30 - 40% thuộc về các nhà máy chế biến đồng thời Chính phủ cần tăng cường kiểm soát đường nhập lậu, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành mía đường Việt Nam.