Đường ống thép đôi khổng lồ cao vượt đầu người, dài 2,3km, kết nối với hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam
Đường ống thép đôi này được xem là là “trái tim" của hệ thống kênh dài gần 120km.
Vượt sông Vàm Cỏ Đông, đường ống thép khổng lồ đưa nước đi qua 50km từ hồ Dầu Tiếng tới vùng biên giới Châu Thành và Bến Cầu của tỉnh Tây Ninh phục vụ tưới tiêu cho 17.000 ha.
Công trình này thuộc dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Ngoài ống dẫn nước qua sông, dự án gồm kênh chuyển nước dài gần 17km, kênh tưới chính 29km, kênh cấp một hơn 71km. Trên các kênh còn có các công trình như cầu máng, cống qua đường, cống qua kênh, cống điều tiết, cống lấy nước, tràn cuối kênh...
Do đặc thù nền đất tương đối cao, loại đất chủ yếu pha cát và xa sông Vàm Cỏ Đông nên việc sản xuất nông nghiệp tại huyện Châu Thành, huyện Bến Cầu gặp nhiều khó khăn. Những nơi này không chỉ thiếu nước sản xuất mà còn thiếu cả nước sinh hoạt.
Một số người dân địa phương cho hay, ngày trước, để có đủ nước tưới cho cây trồng, nhiều hộ dân cùng nhau khoan giếng bơm nước ngầm. Máy bơm được đặt liên tục từ 7-10 ngày/đợt tưới. Việc này rất tốn chi phí sản xuất, nhiều lúc máy móc còn bị hư do hoạt động liên tục.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, bấy lâu nay, nguồn nước sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt ở phía tây của tỉnh chủ yếu dựa vào sông Vàm Cỏ Đông. Tuy nhiên, các trạm bơm không ổn định, tốn nhiều chi phí nên không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Do đó, người dân địa phương đều mong chờ vào công trình đường ống thép đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông (nay thuộc dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông) hoàn thành. Dự án này được khởi công vào năm 2018 với mức đầu tư 998 tỉ đồng, nhưng đến đầu năm 2022 đã được điều chỉnh nâng lên hơn 1.246 tỉ đồng.
Công trình gồm kênh chuyển nước từ hồ Dầu Tiếng đưa sang dài gần 17km, lưu lượng thiết kế đầu kênh là 14m3/giây. Trong đó, công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,3 km bằng cầu máng qua ống thép. Các ống thép được đặt trên giàn bê tông cốt thép. Đoạn vượt sông có cầu dân sinh. Người dân có thể qua lại bằng xe máy, xe đạp. Cây cầu này có thể cho thuyền rộng 30m, cao 6m đi qua.
2 bên cầu máng bố trí đường giao thông cho xe thô sơ đi lại, phục vụ nhu cầu giao thông nông thôn của nhân dân và công tác quản lý vận hành. Ngoài ra, công trình có 101 km gồm kênh tưới chính và kênh cấp 1.
“Trái tim" của dự án là 2,3 km ống thép đưa nước vượt qua sông Vàm Cỏ Đông. Việc phải làm đường ống nước vượt sông vì hồ Dầu Tiếng ở độ cao lớn. Nếu lấy nước ở đây thì hàng trăm km kênh có thể tự chảy đến đồng ruộng. Còn sông Vàm Cỏ tuy có lượng nước dồi dào nhưng độ cao thấp, muốn tưới được cho vùng xa phải dùng trạm bơm khiến chi phí vận hành tăng cao.
Các đoạn ống thép được hàn ghép với nhau trước khi hợp long qua sông Vàm Cỏ Đông. Mỗi ống có đường kính 2,4 m.
Công nhân hàn nối các ống thép với nhau trước khi hợp long qua sông Vàm Cỏ Đông |
Dự án giai đoạn 1 đã đạt 95%, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Công trình khi hoàn thành hứa hẹn sự thay đổi mang tính đột phá cho nông nghiệp địa phương, đặc biệt là vùng đất phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.
Từ kênh Tây, nước sẽ được dẫn qua kênh TN21 cũ được nâng cấp hình thang, khi đến xã Hảo Đước sẽ chảy qua cầu máng trên cao hình chữ nhật trước khi nối vào ống thép vượt sông Vàm Cỏ Đông.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ thực hiện bê tông hóa tuyến kênh chính qua địa bàn các xã Hòa Hội, Thành Long, Ninh Điền (huyện Châu Thành) và Long Phước (huyện Bến Cầu), dự kiến đến năm 2024 hoàn thành.