Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Nga "đóng van" khí đốt, châu Âu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng thay thế.
Các số liệu chính thức cho thấy, Tập đoàn Năng lượng Quốc doanh Gazprom (Nga) vẫn tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine, với công suất cao như trước khi căng thẳng Nga - Ukraine diễn ra, tương ứng với khối lượng trung chuyển của hợp đồng dài hạn là 40 tỷ m3 khí đốt mỗi năm hay 109 triệu m3 mỗi ngày.
Các khách hàng châu Âu đã tăng lượng khí đốt đặt từ Gazprom sau khi giá nhiên liệu này tăng vọt do các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Nga. Tại trung tâm TTF của Hà Lan, giá khí đốt hiện đã tăng lên 2.150 USD/1.000 m3.
Người phát ngôn của Gazprom, Sergei Kupriyanov nói: "Gazprom đang cung cấp khí đốt của Nga để vận chuyển qua Ukraine theo phương thức thông thường, với công suất phù hợp với yêu cầu của khách hàng châu Âu là 109,5 m3/ngày tính tại ngày 6/3/2022".
Theo dữ liệu của Nhà điều hành Hệ thống truyền dẫn khí đốt (GTS) Ukraine, mức trung chuyển khí đốt của Nga qua nước này vào ngày 6/3 không thay đổi so với ngày 5/3.
Kênh truyền hình RT (Nga) ngày 5/3 (giờ địa phương) thông báo: Đường ống Yamal-Europe đã tạm dừng tất cả các nguồn cung cấp khí đốt sang hướng Tây, điều đó có nghĩa là dòng chảy khí đốt từ Nga sang Đức đã bị đình chỉ vô thời hạn.
Theo hãng tin này, Nga đang đáp ứng gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu thông qua đường ống này và việc ngừng cung cấp có thể khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt. RT nhấn mạnh thêm, vật giá ở một số quốc gia châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Nga "đóng van" khí đốt, châu Âu, đặc biệt là Đức sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng thay thế. Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi từng cảnh báo: Nga chiếm 30-40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Không có quốc gia riêng rẽ nào có thể thay thế Nga làm được điều này.