Thế giới

Lo kinh tế kiệt quệ, quốc gia EU nêu 5 yêu sách kèm mức bồi thường khổng lồ nếu bị ép bỏ khí đốt Nga

Vũ Bấc 04/07/2025 14:30

Thủ tướng Slovakia tuyên bố sẽ tiếp tục phủ quyết gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga, đồng thời yêu cầu khoản bồi thường khổng lồ để thực hiện kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch Nga.

Ngày 26/6, Thủ tướng Slovakia Robert Fico khẳng định sẽ tiếp tục bỏ phiếu phản đối gói trừng phạt tiếp theo mà Liên minh châu Âu (EU) dự kiến áp đặt lên Nga nhằm đáp trả các cuộc tấn công quân sự vào Ukraine.

Do quy tắc nhất trí trong việc thông qua các lệnh trừng phạt, quyết định của nhà lãnh đạo Slovakia đã chặn đứng đề xuất này, bất chấp việc các nhà ngoại giao của các nước láng giềng EU đã dành toàn bộ ngày cuối cùng trong phiên họp để hoàn thiện các chi tiết pháp lý chuẩn bị cho sự phê duyệt chính thức.

Tranh cãi xoay quanh kế hoạch REPowerEU

Điểm đáng chú ý là sự phản đối của ông Fico không nhằm vào chính các lệnh trừng phạt, mà tập trung vào một vấn đề hoàn toàn khác: kế hoạch REPowerEU.

Lộ trình này đề ra mục tiêu loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga - bao gồm khí đốt qua đường ống và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) - trước cuối năm 2027. Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch vào tháng 5 và trình dự thảo luật vào tháng 6, dựa trên việc cấm dần các hợp đồng khí đốt ngắn hạn và dài hạn.

"Nga đã nhiều lần tung đòn tấn công kinh tế vào EU bằng cách vũ khí hóa nguồn cung năng lượng," Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố. "Chúng tôi đã thực hiện những bước đi quyết liệt để cắt đứt nguồn nhiên liệu và chấm dứt vĩnh viễn kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch của Nga tại châu Âu".

Là quốc gia không có cửa biển và phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu Nga, Slovakia đã ngay lập tức phản đối kịch liệt việc loại bỏ dần này, cảnh báo về nguy cơ tăng giá và suy giảm khả năng cạnh tranh. Hungary - cũng đang trong tình cảnh tương tự - đã gia nhập cuộc kháng cự.

Một điểm gây tranh cãi là chiến lược của Ủy ban châu Âu khi định khung đề xuất này như một chính sách thương mại và năng lượng, có nghĩa chỉ cần đa số phiếu để thông qua thay vì yêu cầu sự nhất trí.

Trước đây, cơ quan hành pháp EU đã chọn lệnh trừng phạt - một công cụ chính sách đối ngoại - làm phương thức khả thi để loại bỏ việc nhập khẩu nhiên liệu Nga như than và dầu. Hungary và Slovakia đều được miễn trừ lệnh cấm vĩnh viễn đối với dầu thô Nga.

Lo kinh tế kiệt quệ, quốc gia EU nêu 5 yêu sách kèm mức bồi thường khổng lồ nếu bị ép bỏ khí đốt Nga - ảnh 1
Hungary và Slovakia đồng loạt phản đối việc loại bỏ nhiên liệu từ Nga của Liên minh châu Âu - ảnh: Euronews

Thế bế tắc năng lượng của EU

Khi các lệnh trừng phạt khí đốt vẫn bị đình trệ do bất đồng kéo dài giữa các nước thành viên, Ủy ban đã tự mình tìm cách giải quyết và đưa ra giải pháp thay thế nhằm đảm bảo lệnh cấm khí đốt Nga cuối cùng được thực thi.

Động thái này khiến Slovakia phản ứng mạnh mẽ, sử dụng quyền phủ quyết gói trừng phạt thứ 18 như "lá bài cuối" để đạt được những nhượng bộ mà họ cho rằng không thể có được bằng cách khác.

Trong video đăng trên Facebook giữa hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Fico liệt kê hàng loạt khiếu nại và lo ngại về kế hoạch loại bỏ khí đốt Nga, thể hiện sự sẵn sàng đàm phán với bà von der Leyen nhưng với "mức giá" cao hơn dự kiến.

"Thật không may khi chúng ta đi theo con đường này, vì đây rõ ràng là đề xuất mang tính ý thức hệ," ông nói. "Điều này sẽ gây hại cho chúng ta, trừ khi đạt được thỏa thuận với Ủy ban châu Âu để bồi thường mọi thiệt hại mà đề xuất này có thể gây ra”.

Lãnh đạo Slovakia nêu ra năm vấn đề cốt lõi cần được giải quyết:

Thứ nhất, Thủ tướng Fico cảnh báo nếu Slovakia ngừng nhập khí đốt qua đường ống từ Nga, họ sẽ phải chi phí cao hơn cho việc vận chuyển nguồn cung thay thế từ phương Tây, Bắc và Nam châu Âu - những nơi mua LNG rồi khí hóa. Ông yêu cầu đảm bảo phí quá cảnh tương lai không cao hơn chi phí với Nga.

Ngoài ra, theo ước tính của chính phủ Slovakia, việc chấm dứt nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga cùng chi phí vận chuyển tăng sẽ đẩy giá khí đốt hộ gia đình lên "30-50%".

Do đó, thủ tướng Fico yêu cầu "tiền bồi thường cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp Slovakia vì không bên nào có thể gánh chịu gánh nặng này" - con số được ước tính lên tới 500 triệu USD.

Bên cạnh đó, ông cũng đòi hỏi sự đảm bảo bảo vệ cho nền kinh tế Slovakia trước tình trạng giá khí đốt bán buôn tăng đột biến, như đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng năng lượng 2022.

Cuối cùng, lãnh đạo chính phủ Slovakia cho rằng các doanh nghiệp nước này có nguy cơ đối mặt vụ kiện từ Gazprom - công ty độc quyền khí đốt Nga - với chi phí bồi thường lên đến 20 tỷ euro (khoảng 524 triệu USD) do chấm dứt hợp đồng dài hạn có hiệu lực đến 2034. Các hợp đồng năng lượng Nga thường có điều khoản "trả hoặc nhận", buộc người mua phải nhận lô hàng đã thỏa thuận hoặc bồi thường thiệt hại.

"Vấn đề này phải được giải quyết trước tiên," Thủ tướng Fico nhấn mạnh cuối video. "Chúng ta hãy xác định giải pháp, chỉ khi đó mới có thể thảo luận gói trừng phạt tiếp theo. Nếu đề xuất hoãn bỏ phiếu không được chấp thuận, đại sứ Slovakia sẽ nhận chỉ thị rõ ràng phủ quyết gói trừng phạt thứ 18”.

Thủ tướng Slovakia cho biết ông sẽ tham gia "các cuộc đàm phán mang tính xây dựng" với "phái đoàn đặc biệt" do Ủy ban châu Âu dẫn đầu, dự kiến tới Slovakia vào đầu tháng 7.

Tham khảo Euronews, Politico

>> Sức ép bủa vây, quốc gia châu Âu thách thức EU, kiên quyết nhập khẩu khí đốt Nga để cứu lấy nền kinh tế

Quốc gia ứng cử viên EU mua thêm 400 m3 khí đốt Nga với giá siêu rẻ

Cắt van khí đốt Nga, EU gấp rút phục hồi dự trữ trước mùa đông

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/lo-kinh-te-kiet-que-quoc-gia-eu-neu-5-yeu-sach-kem-muc-boi-thuong-khong-lo-neu-bi-ep-bo-khi-dot-nga-145995.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Lo kinh tế kiệt quệ, quốc gia EU nêu 5 yêu sách kèm mức bồi thường khổng lồ nếu bị ép bỏ khí đốt Nga
    POWERED BY ONECMS & INTECH