EVN tính chuyện đi vay 16.000 tỷ để kịp làm đường điện 500kV
Dự án đường dây 500kV được xem là đặc biệt cấp bách nên EVN tính sớm chuyện đi vay tiền.
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT, EVN) đã thông báo về việc có nhu cầu thu xếp vốn cho 4 tiểu dự án thuộc Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối. Đây là các dự án đặc biệt cấp bách, được Chính phủ chỉ đạo EVNNPT phải hoàn thành các dự án trước ngày 30/6/2024.
Cụ thể, đoạn từ Quảng Trạch - Quỳnh Lưu có chiều dài 225km có vốn đầu tư gần 10.111 tỷ đồng và dự kiến vay 7.075 tỷ đồng. Đoạn từ Quỳnh Lưu – Thanh Hóa có chiều dài 92km với vốn đầu tư 4.116 tỷ đồng, dự kiến vay 2.880 tỷ đồng.
Dự án tiếp theo là đoạn từ Thanh Hoá - Nhà máy nhiệt điện Nam Định I dài 74km có tổng mức đầu tư gần 3.087 tỷ đồng, dự kiến vay 2.160 tỷ đồng. Cuối cùng là đoạn từ nhà máy Nhiệt điện Nam Định I – Phố Nối có chiều dài 124km với tổng mức đầu tư gần 5.540 tỷ đồng, dự kiến vay 3.875 tỷ đồng.
Trước đó, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) theo đúng quy định để có thể khởi công xây dựng các dự án thành phần sớm nhất có thể; phấn đấu khởi công vào tháng 9/2023.
EVNNPT là đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tính đến tháng 4 năm nay, EVNNPT quản lý vận hành 29.426km đường dây, tăng 245% so với ngày đầu thành lập vào năm 2008. Công ty cũng đang quản lý 185 trạm biến áp với tổng dung lượng MBA là 116.400 MVA, tăng 454% về tổng dung lượng MBA so với ngày đầu thành lập.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố BCTC soát xét bán niên năm 2023. Cụ thể, doanh thu ghi nhận 229.880 tỷ đồng, tăng gần 4% so với thực hiện năm 2022. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm 99,6%. Tuy nhiên, giá vốn hàng của doanh nghiệp lại vượt doanh thu với mức 245.068 tỷ đồng.
Kết quả, EVN lỗ sau thuế là 29.107 tỷ đồng. Con số này đã tăng 75% so với khoản lỗ nửa đầu năm trước, thậm chí vượt cả khoản lỗ hơn 20.000 tỷ đồng của cả năm 2022.
Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là gần 30.000 tỷ đồng. Nguyên nhân công ty báo lỗ chủ yếu do kinh doanh dưới giá vốn.
Tính đến 30/6/2023, lượng tiền mặt và tiền gửi của EVN đạt mức 76.582 tỷ đồng, giảm gần 25.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng tài sản của EVN đạt 632.419 tỷ đồng tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm.
Tại thời điểm 30/6, EVN lỗ lũy kế 43.845 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu giảm gần 13,7% còn 194.456 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ở mức 306.168 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn chiếm 86%.
Người dân 4 tỉnh phía Bắc kỳ vọng dự án đường dây 500kV sắp được EVN triển khai
Xây dựng tuyến cáp ngầm 77,7km đưa điện ra Côn Đảo: Doanh nghiệp nào đủ sức đảm nhận?