Sau 10 năm "bất ổn", cổ đông Eximbank (EIB) lần đầu nhận cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời Vietcombank và SMBC đều có ý định thoái vốn. Ai sẽ là "ông chủ" thật sự của EIB giai đoạn tới?
Ngày 30/5, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - HoSE: EIB) thông qua nghị quyết về việc chi trả cổ tức năm 2023. Theo đó, cổ đông sẽ nhận được cổ tức đồng thời bằng tiền và bằng cổ phiếu.
Với phương án trả cổ tức bằng tiền, cổ đông sẽ nhận 300 đồng/cp, tỷ lệ 3%. Hiện tại, EIB đang lưu hành 1.740,9 triệu cổ phiếu, ước tính ngân hàng cần trích ra 522,3 tỷ đồng cho hoạt động trên.
Với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 7 cổ phiếu thưởng). Sau phát hành, vốn điều lệ của EIB nâng lên 18.688,2 tỷ đồng và số cổ phiếu lưu hành đạt 1.868,8 triệu đơn vị.
Trong 10 năm, đây là lần đầu tiên EIB tiến hành chi trả cổ tức bằng tiền và là lần thứ 3 ngân hàng này trả cổ tức bằng cổ phiếu. Trước đó, ngân hàng có trả cổ tức bằng tiền vào năm 2014 từ nguồn lợi nhuận năm 2013, tỷ lệ 4% (400 đồng/cp).
Về kết quả kinh doanh, năm 2023, EIB ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 2.165,1 tỷ đồng. Năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 5.180 tỷ đồng, tăng 90,4%. Sau 3 tháng đầu năm, EIB mang về 527,3 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 10,2% kế hoạch năm; đồng thời nâng mức lợi nhuận lũy lên 2.512,3 tỷ đồng ở thời điểm ngày 31/3.
Tài sản và vốn chủ sở hữu của Eximbank tăng trưởng chậm trong 10 năm qua (Nguồn: VPBankS) |
10 năm nội chiến, Eximbank cần một "ông chủ" thật sự
Eximbank từng cùng các ngân hàng TMCP khác như Sacombank hay ACB được xem là bộ 3 quyền lực ngoài Big4 trong nhóm Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, sau sự kiện bầu Kiên - cựu Phó Chủ tịch HĐQT bị bắt giữ hồi năm 2012 và chính sách yêu cầu các ngân hàng TMCP phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng từ khách hàng, hoạt động kinh doanh của EIB đi xuống và chạm đáy vào giai đoạn 2014 - 2015 khi chỉ lãi lần lượt 69 tỷ đồng và 61 tỷ đồng mỗi năm.
Đồng thời, nội chiến xảy ra giữa các nhóm cổ đông xảy ra do không có "ông chủ" thật sự - người nắm giữ cổ phần lớn, có thể chi phối.
Hiện tại, Vietcombank nắm 4,82% cổ phần và SMBC nắm 4,25% cổ phần đang là 2 cổ đông sở hữu cổ phần lớn nhất tại EIB, tuy nhiên 2 đơn vị này đều có kế hoạch thoái vốn. Theo biên bản họp ĐHĐCĐ năm 2024, lãnh đạo EIB khẳng định việc không có cổ đông lớn có ảnh hưởng nhưng không đến mức trọng yếu. Điều này làm cho EIB chỉ có thể hoạt động an toàn, ổn định, nhưng sẽ thiếu yếu tố nguồn lực mang tính thay đổi tăng trưởng cho nhà băng.
Theo VPBankS, vấn đề chủ sở hữu mới có thể là "key" đầu tư cho giai đoạn tới với cổ phiếu EIB.
>> Eximbank (EIB) muốn bán khớp lệnh hơn 6 triệu cổ phiếu quỹ cao hơn giá thị trường