Gần 900 tuyến đường ở TP.HCM được kẻ vạch, cho thuê vỉa hè
Qua rà soát, Sở GTVT TP.HCM công bố danh sách gần 900 tuyến đường phù hợp kẻ vạch để sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe, kinh doanh...
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Dự kiến, thành phố sẽ áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố từ ngày 1/1/2024.
Theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM, lòng đường và vỉa hè chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, trường hợp sử dụng ngoài mục đích này sẽ được Sở GTVT TP, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức xem xét, cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, tuy nhiên phải đảm bảo các tiêu chí và phù hợp với Quyết định 32/2023 của UBND TP.HCM.
Cụ thể, việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, hè phố phải đảm bảo có bề rộng từ 3m trở lên. Khi tổ chức hoạt động này, hè phố còn lại dành cho người đi bộ bảo đảm rộng tối thiểu 1,5m (không tính đến phạm vi bồn gốc cây, ô đất trồng cây xanh và khu vực bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên hè phố chiếm dụng), thông suốt liên tục và không có chướng ngại vật cản trở.
Đặc biệt, việc này phải hạn chế tối đa thực hiện tại một số vị trí khu vực ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, công sở, trụ sở ngoại giao, cơ sở tôn giáo, y tế, trường học.
Cụ thể, Sở GTVT TP tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, bao gồm dải phân cách, đảo giao thông trên các tuyến đường do sở quản lý. UBND các địa phương tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do địa phương quản lý.
Theo Sở GTVT TP, qua khảo sát, tính đến nay đã có gần 900 tuyến đường phù hợp kẻ vạch cho thuê vỉa hè kẻ vạch để sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe, kinh doanh. Mức phí quy định cho hoạt động trông giữ xe từ 20.000 - 350.000 đồng/m2/tháng; mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000 - 100.000 đồng. Mức phí được đề xuất tùy theo giá đất bình quân tại 5 khu vực.
Cụ thể, khu vực 1 gồm: quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm với 207 tuyến đường.
Khu vực 2 gồm: quận 2 - nay thuộc thành phố Thủ Đức (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, 7 (trừ Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố), quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân), có 277 tuyến.
Khu vực 3 gồm: quận 8, quận 9 cũ, quận 12, quận Thủ Đức cũ, quận Tân Phú, quận Gò Vấp có 248 tuyến.
Khu vực 4 gồm: huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi có 125 tuyến.
Khu vực 5 có 11 tuyến đường thuộc huyện Cần Giờ.
Trong đó, khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A Khu đô thị mới Nam TP, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẽ có mức thu phí cao nhất. Ngược lại, khu vực 5 là huyện Cần Giờ sẽ có mức thu thấp nhất.
Theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM, tổng cộng sẽ có 9 trường hợp phải nộp phí sử dụng, trong đó có 6 trường hợp sử dụng hè phố, 3 trường hợp sử dụng lòng đường. 6 trường hợp phải nộp phí sử dụng hè phố gồm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe. 3 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường có đóng phí, gồm: Tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ ôtô phục vụ sự kiện; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ. |
>> Kẻ vạch trên vỉa hè trung tâm TP.HCM, chuẩn bị thu phí sử dụng
Vỉa hè quận trung tâm TPHCM ra sao sau hai tuần thí điểm cho thuê?
TP.HCM xin ý kiến 2 bộ để gỡ vướng khi triển khai thu phí vỉa hè