TP.HCM hướng dẫn cách thức thu phí vỉa hè, lòng đường từ ngày 1/1/2024
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa ra hướng dẫn thực hiện quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè để làm bãi xe, kinh doanh.
Ngày 27/12, Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Dự kiến, thành phố sẽ áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố từ ngày 1/1/2024.
Theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM, lòng đường và vỉa hè chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, trường hợp sử dụng ngoài mục đích này sẽ được Sở GTVT TP, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức xem xét, cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, tuy nhiên phải đảm bảo các tiêu chí và phù hợp với Quyết định 32/2023 của UBND TP.HCM.
Cụ thể, việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, hè phố phải đảm bảo có bề rộng từ 3m trở lên. Khi tổ chức hoạt động này, hè phố còn lại dành cho người đi bộ bảo đảm rộng tối thiểu 1,5m (không tính đến phạm vi bồn gốc cây, ô đất trồng cây xanh và khu vực bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên hè phố chiếm dụng), thông suốt liên tục và không có chướng ngại vật cản trở.
Đặc biệt, việc này phải hạn chế tối đa thực hiện tại một số vị trí khu vực ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, công sở, trụ sở ngoại giao, cơ sở tôn giáo, y tế, trường học.
Bên cạnh đó, Sở GTVT TP tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, bao gồm dải phân cách, đảo giao thông trên các tuyến đường do sở quản lý. UBND các địa phương tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do địa phương quản lý. Phạm vi hè phố để tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa phải được giới hạn (bằng gạch màu hoặc vạch sơn phản quang màu vàng, hàng rào) để phân định với các hoạt động khác.
>> Những trường hợp nào tại TP.HCM sẽ được miễn thu phí vỉa hè?
Về mức phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè tính theo công thức: Mức phí của tuyến đường x diện tích sử dụng x thời gian sử dụng. Mức phí chính xác từng tuyến còn phải xác định được các tuyến đường trung tâm và các tuyến đường không phải trung tâm.
Giả sử đối với tuyến đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) thuộc tuyến đường trung tâm của khu vực 1, nếu sử dụng 10m2 cho hoạt động giữ xe thì phải trả 3,5 triệu đồng/tháng, còn nếu sử dụng cho các hoạt động khác như trưng bày hàng hóa thì chỉ phải nộp 1 triệu đồng/tháng.
Sở GTVT TP.HCM đã công bố danh sách 868 tuyến đường trung tâm của 5 khu vực để địa phương tính mức phí. Địa phương căn cứ hiện trạng sử dụng, đặc thù, tính chất của từng tuyến đường, đoạn đường của khu vực để xây dựng giải pháp tổ chức thực hiện, thời gian hoạt động (theo giờ) cho phù hợp.
Khi lập danh mục các tuyến đường tổ chức thu phí vỉa hè, địa phương rà soát các yếu tố như hiện trạng vị trí, đoạn đường đề xuất; tổ chức giao thông hiện hữu; công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội, thiết yếu; công trình tạm.
Giải pháp tổ chức thực hiện tại vị trí đề xuất cần nêu rõ mục đích khai thác (kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ…), thời gian khai thác trong ngày, phương án bảo đảm an toàn giao thông, duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường.
Sau khi tổng hợp danh mục, địa phương gửi Công an TP.HCM, Ban An toàn giao thông và Sở GTVT cùng các tổ chức liên quan có ý kiến rồi mới ký quyết định ban hành, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở UBND xã, huyện.
>> Đèo Cả sẽ khởi công tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào Tết Dương lịch 2024