Bất động sản

Gặp khó về dòng tiền, nhiều doanh nghiệp bất động sản 'ngậm ngùi' bán loạt dự án

Quốc Chiến 04/07/2024 09:09

Theo thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, hiện nay các công ty đang dần cạn kiệt về dòng tiền trong bối cảnh khối nợ trái phiếu hơn 350.000 tỷ đồng.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) mới đây đã công bố báo cáo tình hình các doanh nghiệp trong quý II/2024.

Theo đó, qua khảo sát, hiện 57,1% doanh nghiệp tại TP. HCM đang hoạt động ổn định, tăng hơn 6% so với quý I/2024. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giảm doanh thu lại tăng vọt lên mức 30,4%. Lượng hàng tồn kho tăng lên mức 34% và số dư nợ tăng mức 42%.

Bên cạnh đó, dòng tiền của các doanh nghiệp dần cạn kiệt, trong bối cảnh khối nợ trái phiếu khổng lồ lên đến 350.876 tỷ đồng, đặc biệt giá trị cần xử lý năm 2024 gần 100.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp đang gặp khó về dòng tiền

Các doanh nghiệp đang gặp khó về dòng tiền

Lý giải về vấn đề này, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM cho biết, tính đến hết năm 2023, Nghị quyết số 41 về hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp mới chỉ giải ngân được khoảng 1.218 tỷ đồng (khoảng 3,05%) tổng quy mô của chính sách. Bên cạnh đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội sau gần 1 năm triển khai cũng chỉ mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng (chưa tới 1%).

Báo cáo của HUBA cũng nhấn mạnh, trong hoạt động kinh doanh, vốn luôn là điều kiện đầu tiên mà doanh nghiệp cần bảo đảm. Tuy nhiên, với hậu quả của hàng loạt khó khăn dồn dập thời gian qua, hầu hết doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền. Doanh nghiệp đang thiếu tiền để trả nợ các khoản nợ gốc trước đây và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo.

>> ‘Ông lớn’ đứng sau Starlake Tây Hồ Tây muốn thâu tóm thêm thị trường bất động sản Việt Nam

Ghi nhận thực tế, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng DIC Group (mã chứng khoán: DIG) vừa thông qua việc chuyển nhượng khu dịch vụ thương mại thuộc dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques giai đoạn 1. Dự án này nằm tại Bà Rịa - Vũng Tàu với phần diện tích thương mại 6.554m2. Đơn vị nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Du lịch DIC - DIC Hospitality.

Tương tự, CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC (mã chứng khoán: VRC) thông qua chủ trương cho công ty con là CTCP ADEC chuyển nhượng một phần Khu dân cư ADC tại phường Phú Mỹ (quận 7, TP. HCM). Đồng thời, doanh nghiệp này đã giao và ủy quyền cho người đại diện pháp luật của VRC xem xét, biểu quyết thông qua phương án chuyển nhượng diện tích đất cụ thể tại Đại hội cổ đông của ADEC.

Ngoài ra, CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 25% vốn tại dự án Nam Long Đại Phước (45ha) cho đối tác Nhật Bản trong tháng 6/2024. Thương vụ chuyển nhượng này có giá trị 662 tỷ đồng, ước tính thu về lợi nhuận sau thuế khoảng 200 tỷ đồng cho NLG.

Bên cạnh vấn đề doanh nghiệp phải chuyển nhượng dự án để duy trì dòng tiền, HUBA đã chỉ ra còn nhiều công ty cũng phải bán dự án để xử lý nợ trái phiếu.

Nổi bật nhất là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (mã chứng khoán: NVL). Đây là một trong những "ông lớn" được nhắc tên nhiều nhất trong danh sách dài các doanh nghiệp khất nợ trái phiếu nhiều nhất trong hơn 2 năm trở lại đây.

Gần đây, Tập đoàn Novaland đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM về việc công bố thông tin liên quan đến việc tái cấu trúc gói trái phiếu chuyển đổi của công ty. Đây là lần thứ ba Novaland đề nghị dời ngày hoàn thành gói trái phiếu này.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã lên phương án thực hiện huy động vốn giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng qua sàn chứng khoán. Mục tiêu huy động vốn phần lớn nhằm tái cơ cấu nợ, mua bán hoặc đầu tư dự án.

Cụ thể, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) vừa hoàn tất đợt phát hành, thu về 1.343 tỷ đồng, dự kiến để thực hiện các dự án bất động sản của công ty như phân khu 2 và 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định), dự án Bắc Hà Thanh (Bình Định), 2 dự án nhà Thuận An 1 và 2 (Bình Dương).

Về giải pháp tháo gỡ, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản (VARS) đề xuất, cần sớm tháo gỡ nút thắt pháp lý, khơi thông nguồn cung phân khúc đang có nhu cầu lớn là nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền; từ đó thúc đẩy thanh khoản, giúp doanh nghiệp có nguồn thu để trả nợ, cân đối tài chính và để dòng tiền luân chuyển dựa trên đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.

>> Việt Nam sắp có Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia?

‘Ông lớn’ đứng sau Starlake Tây Hồ Tây muốn rót thêm vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam

Bất động sản sinh dòng tiền tại "nơi đáng sống bậc nhất hành tinh" được lòng nhà đầu tư cá nhân

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/gap-kho-ve-dong-tien-nhieu-doanh-nghiep-bat-dong-san-ngam-ngui-ban-loat-du-an-d126745.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gặp khó về dòng tiền, nhiều doanh nghiệp bất động sản 'ngậm ngùi' bán loạt dự án
    POWERED BY ONECMS & INTECH