Việt Nam sắp có Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia?
Dự kiến, Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia sẽ nằm ở Khu kinh tế Dung Quất.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý II và 6 tháng đầu năm nay đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
>> Metro Nhổn - ga Hà Nội hứa hẹn chục lần vẫn chưa thể vận hành
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tính đạt 28.300 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.355 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ, đạt 54% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 2.322 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ, đạt 62,8% kế hoạch năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 38.477 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ và đạt 50% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 15.279 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, bằng 59,8% dự toán năm.
Bên cạnh những thống kê tích cực, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn gặp một số khó khăn, thách thức khác.
Cụ thể, việc nhà máy lọc dầu Dung Quất triển khai hoạt động bảo dưỡng tổng thể lần 5 (diễn ra từ tháng 3 đến hết tháng 4/2024), làm giảm sút mạnh sản lượng sản phẩm lọc hóa dầu; thị trường bất động sản trầm lắng, thu tiền sử dụng đất đạt rất thấp; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài còn thấp.
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024, đồng thời, tăng cường công tác hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng hoàn thiện và thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; triển khai thực hiện Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển - đảo.
Đồng thời, địa phương sẽ đẩy nhanh hoàn chỉnh, trình thẩm định phê duyệt các đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị cho các khu chức năng còn lại trong Khu kinh tế Dung Quất để thu hút các dự án tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại.
Là khu vực phát triển công nghiệp mạnh mẽ vùng duyên hải miền Trung, Khu kinh tế Dung Quất khi được thực hiện quy hoạch sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hoàn hảo cho các nhà đầu tư, đồng thời là vùng đất "hái ra tiền" cho địa phương.
Nhiều năm qua, Quảng Ngãi luôn nằm trong top cũng tỉnh có thu ngân sách cao nhất cả nước. Năm 2023, địa phương đã đóng góp cho ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng.
Vào đầu năm 2023, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, khu kinh tế có diện tích hơn 45.000ha với diện tích đất liền hơn 33.500ha, đảo Lý Sơn gần 1.500ha và diện tích mặt nước khoảng 10.700ha. Phân khu chức năng toàn khu kinh tế được chia làm 5 phân khu chính là: Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất; phân khu đô thị Lý Sơn.
Tính đến cuối năm 2023, Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút 347 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD, có 253 dự án đã đi vào hoạt động và đóng góp ngân sách hàng năm khoảng 1 tỷ USD. Khu kinh tế hiện tại và trong tương lai tiếp tục phát triển với đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trong đó mũi nhọn là lọc hóa dầu, thép, logistics...
>> Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm của huyện sẽ lên thị xã tại Thừa Thiên Huế vào năm 2025