GDP quý I/2022 của Việt Nam tăng 5,03%, lạm phát cơ bản tăng 0,81%

29-03-2022 11:36|Tuyết Nhung

Tính chung quý I/2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam ước tính tăng 5,03%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê mới công bố, mức tăng GDP trong quý I năm nay cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019.

Cụ thể, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I/2021, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3.2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I/2021, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ trong quý I/2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay như sau:

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa mùa vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá (tăng 7,4 tạ/ha) so với vụ mùa năm trước; ngành chăn nuôi đang dần phục hồi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I/2022 đều tăng so với cùng kỳ năm trước; chế biến và xuất khẩu tiêu thụ gỗ có nhiều tín hiệu tích cực; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, giá cá tra, tôm nuôi trồng đang ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh.

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2022 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,86% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,54%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm

Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42.38%; 9,40%).

Về sử dụng GDP quý I/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.

Bên cạnh đó, trong quý I/2022, việc giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước.

Tính chung quý I/2022, CPI bình quân quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,92%; CPI tháng 3/2022 tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2.41% so với cùng kỳ năm 2021; lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông (có mức tăng cao nhất với 4,8%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 1,49%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,46%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,21%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,19%); nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,12%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,06%); nhóm bưu chính viễn thông (tăng 0,02%).

Nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,27%); thực phẩm (giảm 0,48%).

Giá vàng tăng 5,6 triệu: Đích nào cho SJC, nhẫn trơn?

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu về chính sách đối ngoại tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gdp-quy-i2022-cua-viet-nam-tang-503-lam-phat-co-ban-tang-081-123947.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    GDP quý I/2022 của Việt Nam tăng 5,03%, lạm phát cơ bản tăng 0,81%
    POWERED BY ONECMS & INTECH