Kế hoạch tái cơ cấu chuỗi cung ứng bán dẫn của Mỹ đối mặt thách thức, khi ít nhất 5 nhà cung ứng của TSMC và Intel thông báo trì hoãn xây dựng cơ sở sản xuất mới do bị đội vốn và thiếu hụt lao động.
LCY Chemical, Solvay, Chang Chun Group, KPPC Advanced Chemicals và Topco Scientific là những công ty hoá chất vật liệu công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại Arizona, sau khi hai nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là TSMC và Intel đầu tư vào bang này.
Các nhà máy của những công ty trên được coi là “mảnh ghép” quan trọng trong chuỗi cung ứng chip hoàn chỉnh. Song, Nikkei Asia cho biết, phần lớn các kế hoạch đã bị tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô đáng kể.
Trong một số trường hợp, việc trì hoãn chỉ là tạm thời, trong khi một số dự án đã rơi vào tình trạng không biết bao giờ mới được kích hoạt trở lại.
Đội vốn
Phía các công ty cung ứng lý giải rằng, chi phí vật liệu xây dựng và nhân công tăng cao cũng như thiếu hụt lao động là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định trên. Việc dòng vốn đầu tư ồ ạt chảy vào nhiều lĩnh vực cùng lúc, bao gồm cả chip và ô tô khiến ngành xây dựng gặp sức ép đáng kể. Ngoài ra, tiến độ chậm chạp của các công ty bán dẫn đầu ngành như TSMC và Intel cũng là một nguyên nhân khiến họ phải suy nghĩ lại.
Vincent Liu, CEO LCY Chemical cho hay, công ty sẽ điều chỉnh tốc độ xây dựng nhà máy tại Arizona do chi phí tăng vọt. Trước mắt, hãng sẽ vận chuyển hoá chất đến Mỹ bằng đường biển, thay vì gấp rút xây dựng xưởng sản xuất.
“Với ngành hoá chất, điều quan trọng là bạn phải đạt được quy mô đủ lớn để mang lại hiệu quả về kinh tế”, Liu nói.
Trong khi đó, Solvay (Bỉ) - một trong những nhà cung ứng hydrogen peroxide độ tinh khiết cao hàng đầu thế giới cho lĩnh vực chip nói rằng, họ đã dừng dự án xây dựng nhà máy sản xuất do lo ngại về chi phí, cũng như thời gian chờ đợi Intel và TSMC lâu hơn dự kiến.
Chang Chun Group, công ty sản xuất hydrogen peroxide khác, lựa chọn thu hẹp quy mô xây dựng nhà máy sau khi chi phí cao gấp “vài lần” so với dự kiến.
Chậm tiến độ
Song, giới phân tích nhận định, việc nhiều nhà cung ứng trì hoãn dự án cho thấy, vấn đề không nằm ở một hay hai công ty riêng lẻ, mà mang tính cấu trúc nhiều hơn.
“Vấn đề quan trọng là nhu cầu tại địa phương chưa đòi hỏi nhiều nguồn cung đến vậy”, CEO Topco nói. “Do đó, công ty không vội vàng tiêu tốn các nguồn lực. Xây dựng một nhà máy cần đầu tư để xây thêm đường sá cũng như mạng lưới điện nước”.
Đại diện Solvay cho biết, sự trì hoãn “phản ánh tính phức tạp của việc cân bằng cung cầu thị trường với khuyến khích đầu tư hiện tại ở Mỹ”.
Lita Shon-Roy CEO Technet, công ty nghiên cứu và tư vấn vật liệu chip nói rằng nhiều công ty cung ứng hoá chất và vật liệu sợ rằng họ mở rộng quá nhanh khi chưa cần thiết. Các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn đang chờ chính phủ Mỹ giải ngân gói hỗ trợ từ đạo luật CHIPS.
“Ngoài ra, còn có những khó khăn do quy định về môi trường và kỹ thuật phức tạp đối với lĩnh vực hoá chất”, Peter Hanbury, đối tác công ty tư vấn Bain, nhận định.
Chuyên gia này cho biết, các công ty cung ứng này có tỷ suất lợi nhuận hẹp hơn so với những doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu, do đó họ "nhạy cảm" hơn với việc chi phí tăng cao. Trong khi đó, thời gian xây dựng nhà máy hoá chất cũng ngắn hơn xưởng sản xuất chip, bởi vậy họ có thể tiến hành chậm hơn, khi các khách hàng thực sự sẵn sàng.
Nguồn tin của Nikkei Asia nói rằng, TSMC đã hoãn lịch sản xuất hàng loạt từ năm 2024 sang năm 2025. Trong khi đó, kế hoạch của Intel cũng chậm hơn đáng kể. Theo Bộ Thương mại Mỹ, chính phủ chỉ có thể xem xét hỗ trợ các công ty hoá chất sau khi trợ cấp dành cho doanh nghiệp bán dẫn được quyết định.
Intel, Ampere, Marvell cùng loạt 'ông lớn' bán dẫn Hoa Kỳ 'đổ bộ' Việt Nam
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ đánh giá cao sáng kiến đào tạo 50.000 kỹ sư của Việt Nam