Theo Công ty Phân tích Vận tải biển Xeneta, cước vận chuyển đường biển theo hợp đồng dài hạn đã tăng gần 7% trong tháng 3/2022, tương đương mức tăng gần 97% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 18 tháng trở lại đây, chỉ có 2 tháng (12/2021 và 1/2022) ghi nhận giá cước vận tải biển trên toàn cầu giảm.
Xu hướng tăng giá là sự kết hợp của nhu cầu tăng cao kéo dài, việc tắc nghẽn tại cảng ở Mỹ, thiếu container rỗng và sự gián đoạn do COVID-19. Điều này đã giúp các hãng vận tải có lợi nhuận khổng lồ trong năm vừa qua.
Ngoài ra, khả năng bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc và việc thực hiện các biện pháp phong tỏa có thể làm gia tăng sự bất ổn và sức cầu bị dao động. Trong khi đó, tình hình tắc nghẽn cảng ở Mỹ đã chuyển từ Bờ Tây sang Bờ Đông và tình hình tắc nghẽn có thể nghiên trọng hơn trong quý II.
Theo số liệu từ Xeneta, tại châu Âu, giá cước vận chuyển hàng hóa nhập khẩu tăng gần 8% trong tháng 3, đạt mức cao nhất trong lịch sử và hiện tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, giá cước vận chuyển hàng xuất khẩu tăng hơn 3%, tương đương mức tăng gần 73% so với tháng 3 năm trước.
Giá cước nhập khẩu ở khu vực Viễn Đông theo chỉ số XSI đã tăng 4,7%, đưa chỉ số này tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá cước xuất khẩu lại tăng gần 8%. Mức cước này đã tăng 92% so với tháng 3/2021. Theo đó, mức tăng giá cước được ghi nhận 18 trên 24 tháng trở lại đây.
Giá cước vận tải ở Mỹ cũng có diễn biến tương tự, với cước hàng hóa nhập khẩu tăng gần 7%, bù lại mức giảm nhẹ được ghi nhận vào tháng 2 và chỉ số này cao hơn 99% so với cùng kỳ 2021.