Theo một số nhà phân tích, giá dầu Brent đang trong xu hướng tăng trên 90 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.
Theo một cuộc thăm dò của hãng Reuters công bố ngày 28/2, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ rơi vào cảnh thiếu hụt do Nga cắt giảm nguồn cung và Trung Quốc tăng lượng tiêu thụ, do vậy, giá dầu dự báo sẽ lên tới 90 USD/thùng vào nửa cuối năm nay.
Kết quả thăm dò 49 nhà kinh tế và phân tích dự báo rằng giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình là 89,23 USD/thùng trong năm nay, giảm so với mức 90,49 USD/thùng trong tháng 1, nhưng vẫn cao hơn mức hiện nay đang vào khoảng 83 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) dự báo ở mức trung bình 83,94 USD/thùng, thấp hơn so với mức dự báo 85,40 USD/thùng đưa ra hồi tháng 1.
Theo một số nhà phân tích, giá dầu Brent đang trong xu hướng tăng trên 90 USD/thùng trong nửa cuối năm nay sau khi ở mức trung bình khoảng 85 USD/thùng trong quý I và 88,6 USD/thùng trong quý II do nhu cầu giảm từ các khu vực tiêu thụ nhiều dầu mỏ như châu Âu, Mỹ.
Bắt đầu từ tháng 3, Nga sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày và tiếp tục giảm tới 25% hoạt động xuất khẩu dầu từ các cảng miền Tây nước này. Nga sẽ tìm cách chuyển hướng các lô hàng dầu thô cũng như các sản phẩm tinh chế sang các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo ông Robert Yawger, nhà chiến lược về năng lượng làm việc cho Ngân hàng Mizuho, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua sản phẩm dầu mỏ của Nga với giá giảm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết Trung Quốc chiếm gần một nửa mức tăng 2 triệu thùng/ngày trong nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới, có thể vượt cung sau nửa đầu năm nay và khiến các nhà sản xuất xem xét lại chính sách sản lượng của mình.
Trong một động thái khác, Giám đốc điều hành công ty dầu khí Gazprom Neft của Nga, Alexander Dyukov ngày 28/2 cho biết việc nước này sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 3 là để cân bằng thị trường dầu mỏ trước tình trạng dư thừa toàn cầu. Ông Dyukov dự báo giá dầu có thể ở mức từ 80-110 USD/thùng trong năm 2023.
Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này sẽ giảm nhập khẩu dầu Nga xuống gần bằng 0 trong tháng 2 và tháng 3 trong bối cảnh nước này tiếp tục các biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ Nga.
Trước đó, ngày 25/2, nhà lọc dầu PKN Orlen của Ba Lan thông báo Nga đã ngừng các nguồn cung dầu cho Ba Lan thông qua đường ống dẫn Druzhba. Công ty cho biết sẽ khai thác các nguồn khác để bù vào phần thiếu hụt này.