Do thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã chuyển hướng tìm nguồn cung gạo tấm của Việt Nam để phục vụ nhu cầu từ nay đến Tết.
Động thái áp thuế và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đang khiến thị trường gạo thế giới biến động mạnh trong đó có Việt Nam. Một tuần nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh.
Trong phiên giao dịch ngày 19/9, giá chào bán gạo xuất khẩu tăng mạnh. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 400 USD/tấn, gạo 25% tấm và 100% tấm giữ ổn định ở mức 378 USD/tấn và 383 USD/tấn.
Trước đó, ngày 8/9/2022, Ấn Độ đã chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu. Việc quốc gia này hạn chế xuất khẩu sẽ giáng một cú đánh mạnh hơn vào những quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và nạn đói ngày càng trầm trọng.
Theo các doanh nghiệp, khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, các bên mua đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang tăng tốc dịp cuối năm để nắm bắt cơ hội này.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, khoảng 1 tuần nay, nhiều thương nhân Trung Quốc hỏi mua gạo tấm Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực mà các doanh nghiệp Việt Nam đang đón nhận.
Do thiếu hụt nguồn cung từ phía Ấn Độ nên nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc chuyển hướng tìm nguồn cung gạo tấm của Việt Nam để phục vụ nhu cầu từ nay đến Tết.
Trong những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, khoảng hơn 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9. Giá gạo xuất khẩu tăng khiến doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn, thị trường trong nước cũng sôi động hơn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo tấm và "gạo dài không thơm" sang các thị trường châu Phi và Trung Quốc đang đứng trước nhiều cơ hội tìm kiếm thêm được khách hàng mới vì từ trước tới giờ gạo của Ấn Độ đang khá cạnh tranh với gạo của Việt Nam ở phân khúc thị trường này.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 8/2022, xuất khẩu gạo của nước ta đạt kim ngạch trên 2,3 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng tốc xuất khẩu cuối năm
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, lũy kế đến trung tuần tháng 8, cả nước gieo cấy được 6,7 triệu ha lúa, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2021, đã thu hoạch khoảng 4,4 triệu ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái; năng suất bình quân đạt 63,3 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt gần 28 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngành trồng trọt và Bộ NN&PTNT vẫn đảm bảo được kế hoạch sản xuất, với gieo trồng khoảng 7,24 triệu ha, với sản lượng trên 43 triệu tấn thóc.
Theo đánh giá của nhiều nhà nhập khẩu, gạo Việt Nam ngày càng có lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ Thái Lan; thương nhân Thái cũng đang lo ngại trước sức cạnh tranh của gạo Việt và Thái Lan có thể bị mất thị phần... Đây là điều kiện cần để ngành lúa gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường mới, tất nhiên với sự hỗ trợ hơn nữa từ chính sách của Nhà nước nhằm kéo giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu...
Nhờ có Hiệp định EVFTA lam "đòn bẩy", mặt hàng gạo của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên thị trường như gạo Ấn Độ, Thái Lan. Bên cạnh đó, Thương vụ cũng đã tích cực xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nhập khẩu gạo Việt Nam để được hưởng lợi thuế quan.
Bức tranh xuất khẩu gạo Việt Nam lâu nay vẫn cạnh tranh gay gắt với đối thủ Thái Lan và Campuchia, song các giống gạo của Việt Nam có điểm khác là đa dạng hơn, có gạo ngắn, gạo tròn với nhiều chủng giống trong khi Thái Lan và Campuchia không có.
EU công bố thuế nhập khẩu gạo xát là 65 Eur/tấn: Gạo Việt có cơ hội cạnh tranh?
Gạo Việt Nam đắt đỏ nhất thế giới
Gạo Việt 'gây sốc': Hàng phẩm cấp thấp đắt đỏ hơn gạo cao cấp Thái Lan