EU công bố thuế nhập khẩu gạo xát là 65 Eur/tấn: Gạo Việt có cơ hội cạnh tranh?

14-09-2022 05:26|Thảo Đan

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Ủy ban châu Âu mới đây đã đăng công báo quy định số 2022/1481 về thuế nhập khẩu gạo xát vào EU.

Theo đó, thuế nhập khẩu đối với gạo xát trắng thuộc mã CN 1006 20, không phải gạo basmati xát vỏ với các giống được đề cập trong Điều 1 của Quy định Ủy ban (EC) số 972/2006 (4), sẽ là 65 EUR / tấn.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 8/9/2022.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Điều này cho thấy mặt hàng gạo đang tận dụng được tốt các ưu đãi mà Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mang lại.

Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.

Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.

Mặc dù có nhiều ưu đãi từ Hiệp định EVFTA cũng như dư địa thị trường, song theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), chưa đầy 20% doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu kỹ về các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo bà Trang, liên quan tới hạn ngạch, vấn đề không chỉ là cam kết hạn ngạch bao nhiêu nghìn tấn được hưởng ưu đãi thuế quan, mà còn ở chỗ cơ chế được cấp hạn ngạch thế nào.

Nghị định về chứng nhận gạo thơm xuất khẩu sang EU mới chỉ được ban hành đầu năm 2022 - chậm một thời gian tương đối dài. Như vậy, những thông tin đó rất cần cho doanh nghiệp. Các cơ quan có thông tin nhiều hơn thì sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp sâu hơn.

Hơn nữa, bên cạnh lợi thế của hiệp định EVFTA, Việt Nam cũng phải tự nâng cao chất lượng của hạt gạo Việt Nam cũng như thay đổi cách tiếp cận thị trường để có thể chiếm lĩnh mở rộng thị phần được nhiều hơn nữa.

Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp tục chiến lược chất lượng, gia tăng giá trị sẽ giúp gạo Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.

Việt Nam ở vị trí nào trên bản đồ gạo thế giới?

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, lũy kế đến trung tuần tháng 8, cả nước gieo cấy được 6,7 triệu ha lúa, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2021, đã thu hoạch khoảng 4,4 triệu ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái; năng suất bình quân đạt 63,3 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt gần 28 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngành trồng trọt và Bộ NN&PTNT vẫn đảm bảo được kế hoạch sản xuất, với gieo trồng khoảng 7,24 triệu ha, với sản lượng trên 43 triệu tấn thóc.

Cùng với việc quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất đang tạo cơ hội cho Việt Nam và Thái Lan vươn lên dẫn đầu.

Theo đánh giá của nhiều nhà nhập khẩu, gạo Việt Nam ngày càng có lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ Thái Lan; thương nhân Thái cũng đang lo ngại trước sức cạnh tranh của gạo Việt và Thái Lan có thể bị mất thị phần... Đây là điều kiện cần để ngành lúa gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường mới, tất nhiên với sự hỗ trợ hơn nữa từ chính sách của Nhà nước nhằm kéo giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu...

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, gạo là mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây khi xuất khẩu vào Bắc Âu và cả trên các thị trường khác.

Để đưa gạo Việt Nam vào các thị trường khó tính, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cũng đặc biệt lưu ý xu hướng sản xuất, kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn ngày càng được quan tâm. Xu hướng này liên quan đến nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng, bao gồm điều kiện làm việc, sử dụng nước, quản lý chất thải...

Ấn Độ ban hành lệnh cấm, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng từng ngày

Giá gạo Việt đắt nhất thế giới, doanh nghiệp vẫn chi 1,24 tỷ USD nhập khẩu

Vừa lập kỷ lục, ‘hạt ngọc Việt’ lại nhận tin xấu, nguy cơ hụt thu 700 triệu USD

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/eu-cong-bo-thue-nhap-khau-gao-xat-la-65-eurtan-gao-viet-co-co-hoi-canh-tranh-148590.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    EU công bố thuế nhập khẩu gạo xát là 65 Eur/tấn: Gạo Việt có cơ hội cạnh tranh?
    POWERED BY ONECMS & INTECH