Giá gạo xuất khẩu Việt Nam xác lập "ngôi vương", nâng tầm chất lượng sản phẩm

19-12-2022 10:39|Bảo Trâm

Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, lượng gạo xuất sang các thị trường khó tính cũng tăng mạnh.

Giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới

Thông tin từ Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt xấp xỉ 6,7 triệu tấn, với giá trị 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam, giá xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đang cao nhất thế giới. Đơn cử, thời điểm này, giá chào bán gạo 5% tấm đang ở mức 438 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn. Với mức này, giá gạo Việt Nam nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 20 USD/tấn.

“Không chỉ có gạo trắng mà các loại gạo thơm, gạo Japonica… của Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt. Chẳng hạn như, giá gạo thơm xuất khẩu cho thị trường Trung Đông, châu Âu lên tới 600 USD/tấn, riêng loại gạo Japonica giá cao tới 700 USD/tấn” – ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết.

Đánh giá về sự tăng trưởng của ngành gạo xuất khẩu, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhận định, những năm gần đây, việc chủ động từ sản xuất đến chế biến đã nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt Nam.

Hầu hết các vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu đã đưa giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất, nên sản phẩm gạo của Việt Nam cùng chủng loại với gạo Thái Lan được nhiều thị trường lựa chọn. Minh chứng rõ nhất là không ít các DN xuất khẩu gạo Việt Nam đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo sang châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore với giá cao.

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang giữ vững vị thế hàng đầu thế giới do các DN đã nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh được nhiều thị trường lớn. Mặt khác, những xung đột thế giới, thời tiết, dịch bệnh... cũng khiến nhu cầu gạo của nhiều quốc gia tăng mạnh.

Đáng chú ý, gạo Việt Nam ngày càng chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường, trong đó có thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Trong 11 tháng qua, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 1,39 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ; khối CPTTP đạt 263,3 triệu USD, tăng 19,8%; thị trường EU đạt trên 17,8 triệu USD, tăng 0,4%...

Xây dựng vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu

Nhiều chuyên gia nhận định, những xung đột địa chính trị trên thế giới hiện nay, cộng với diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh khiến nhu cầu gạo thế giới tiếp tục tăng ở những năm tiếp theo.

Trung Quốc là nước xuất khẩu gạo rất nhiều trong những năm trước nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nước này hạn chế xuất khẩu. Trong khi đó, năm 2022, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và hạn chế gạo trắng 5% tấm. Trên cơ sở những yếu tố này có thể dự báo giá gạo xuất khẩu Việt Nam những tháng đầu năm 2023 sẽ tiếp tục giữ mức cao.

Do đó, DN xuất khẩu gạo Việt Nam cần chủ động xây dựng vùng sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết để bảo đảm cả về chất và lượng. Bởi thực tế cho thấy, khi DN xây dựng được chuỗi liên kết, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sẽ giảm được tối đa chi phí, bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tăng giá trị xuất khẩu gạo.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho rằng, dư địa của ngành lúa gạo còn rất lớn, DN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tạo ra vùng lúa hàng hóa chất lượng cao. Việc ứng dụng công nghệ, cấp mã số vùng trồng... sẽ giúp gạo Việt Nam xây dựng thành công thương hiệu và được định vị vững chắc trên thị trường quốc tế. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi lúa gạo chất lượng cao; đồng thời hình thành những kênh thông tin thị trường để quảng bá và xúc tiến thương mại.

Nhằm hỗ trợ DN chủ động phương án xuất khẩu gạo và tận dụng những lợi thế hiện có, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương liên tục cập nhật diễn biến thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho DN. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị; đồng thời phối hợp với các địa phương, DN tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Indonesia cần nhập 1,5 triệu tấn gạo, doanh nghiệp Việt thêm cơ hội

Xuất khẩu gạo Việt có thể đạt hơn 7,5 triệu tấn trong năm 2023

Giá tăng cao kỷ lục, có nên thành lập sàn giao dịch gạo?

Theo Kiến Thức Đầu Tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-gao-xuat-khau-viet-nam-xac-lap-ngoi-vuong-nang-tam-chat-luong-san-pham-162837.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam xác lập "ngôi vương", nâng tầm chất lượng sản phẩm
POWERED BY ONECMS & INTECH